19/01/2025 | 10:26 GMT+7, Hà Nội

Loạn thị trường thuốc đông y (3): Nhập nhèm thuốc nam chữa ung thư

Cập nhật lúc: 03/04/2017, 06:26

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hàng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên, và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Riêng trong năm 2012, nước ta có khoảng 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này.

Quảng cáo thuốc nam tràn lan, sai quy định

Thị trường thuốc đông y vốn đã ít được quản lý, tuy nhiên, do xu hướng lạm dụng thuốc đông y để chữa bệnh và quá tin tưởng vào nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc nên nhiều người đã phải gánh lấy những hậu quả không đáng có.

Đặc biệt là thuốc nam chữa bệnh ung thư lại càng nhập nhèm. Khi mà công nghệ thông tin và mạng internet phát triển, tình trạng quảng cáo tràn lan, quảng cáo truyền miệng, truyền tai về các “thần y”, “lương y” ngày càng tăng với số lượng chóng mặt.

Nhiều người chỉ cần nghe ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi, chỉ cần biết trong người có mầm mống ung thư là đi khắp nơi tìm thầy, tìm thuốc.

Thực tế, chỉ với 1 từ khóa  “thuốc nam chữa ung thư” trên mạng xã hội, là các bài thuốc nam, các cơ sở kinh doanh thuốc nam chữa ung thư hiện ra rất nhiều:

Các bài thuốc, địa chỉ bán thuốc nam chữa ung thư được chia sẻ trong các topic, được hiện rõ khi tìm kiếm.

Các bài thuốc, địa chỉ bán thuốc nam chữa ung thư được chia sẻ trong các topic, được hiện rõ khi tìm kiếm.

Quảng cáo thuốc nam chữa ung thư gan khỏi 100% và cam kết hoàn tiền nếu bệnh tình không giảm.

Quảng cáo thuốc nam chữa ung thư gan khỏi 100% và cam kết hoàn tiền nếu bệnh tình không giảm.

Chưa xét đến việc các loại thuốc này có thực sự chữa được bệnh hay không nhưng ngay từ việc quảng cáo đã thấy những cơ sở kinh doanh này quá đề cao khả năng của các “thần dược”, “thần y”.

Thêm vào đó, ung thư vốn là một trong những căn bệnh khó chữa, bệnh mãn tính lâu ngày mà y học hiện đại vẫn đang loay hoay tìm kiếm phương pháp điều trị.

Vậy các “thần dược”, “thần y”  có thực sự giảm đi được nỗi lo sợ của nhiều người, khi mà chất lượng của các sản phẩm thuốc đó chỉ được chứng minh khi “sự đã rồi”?

Trong khi đấy, các loại thuốc vốn là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện, trình tự quảng cáo thuốc.

Nếu theo quy định quảng cáo tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP, các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc như: chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; bệnh lây qua đường tình dục hay như chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;... thì nghiễm nhiên rằng các cơ sở này đã quảng cáo sai quy định.

Những hồi chuông cảnh tỉnh

Trên thực tế, vẫn không ít người bệnh, chỉ cần biết trong người có mầm mống ung thư, vì sợ truyền hóa chất nên chỉ cần nghe truyền tai địa chỉ các thầy lang bốc thuốc giỏi, những cây thuốc hay là tìm đến chữa trị. Việc sử dụng các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc cũng đã gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là mất mạng.

Trả lời trên báo Sức Khỏe và Đời sống, TS.BS Phạm Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã cảnh báo một thực trạng đáng buồn là không phải bệnh nhân ung thư nào cũng tuân thủ điều trị theo lời khuyên của bác sĩ.

Bệnh nhân không tiếp nhận hóa trị, xạ trị mà tin dùng các bài thuốc lá, bài thuốc nam, thuốc đông y không rõ nguồn gốc là sai lầm khá phổ biến, khiến bệnh ung thư càng tăng tốc đến giai đoạn cuối nhanh hơn. Khi chữa trị không thành mới tìm đến bác sĩ, bệnh đã quá muộn.

TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K T.W (Hà Nội) mới đây chia sẻ rất xót xa cho trường hợp bé trai 4 tuổi thăm, khám tại bệnh viện và mắc u nguyên bào thần kinh, lúc đó khối u có kích thước nhỏ. Khi các bác sĩ chẩn đoán rõ ràng, yêu cầu chỉ cần tiến hành việc điều trị thì gia đình cháu bé lại quyết định cho cháu về chữa theo các bài thuốc nam ở quê vì nghĩ truyền hóa chất sẽ đau đớn.

Sau 2 tháng, khối u đã to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, cháu bé suy kiệt, tiên lượng tử vong gần. Lúc này người nhà mới vội vàng liên hệ đi chạy chữa tại BV K T.W thì bệnh đã trầm trọng. Các bác sĩ chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, cố gắng cầm cự cho cháu kéo dài thời gian sống.

Như một trường hợp khác là bác Bùi Thị Hồng Liên (58 tuổi, quê Hòa Bình) phát hiện bị ung thư gan ở giai đoạn sớm và điều trị được. Nhưng do tin lời đồn là nhiều người bị ung thư sau khi phẫu thuật đã tử vong, nên dù đã được bác sĩ tư vấn điều trị, bác Liên và người nhà xin không điều trị để về nhà uống thuốc nam.

Kết quả là sau 2 năm uống thuốc nam, bác Liên đã bị ung thư gan di căn sang xương, suýt mất mạng. Bác sĩ cho biết, thận là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó ở các loại cây cỏ, thảo dược khô có hàm lượng kali cao. Điều này khiến cho nồng độ kali trong cơ thể tăng cao. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bác Liên có thể đã tử vong.

Thận trọng khi sử dụng thuốc nam chữa bệnh

Không thể phủ nhận giá trị và vai trò đóng góp của Y học cổ truyền với nhiều bài thuốc quý đã được đúc kết, gìn giữ qua hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia không phải loại bệnh nào cũng có thể áp dụng được các bài thuốc đông y hay thuốc nam để điều trị, đặc biệt là bệnh ung thư.

Không phải loại bệnh nào cũng có thể áp dụng được các bài thuốc đông y hay thuốc nam để điều trị, đặc biệt là bệnh ung thư.

Dẫn thông tin trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng (Trung tâm Ung bướu, BV T.W Huế) khẳng định: “Thuốc nam không thể chữa khỏi bệnh ung thư. Y văn thế giới chưa có ghi nhận thuốc nam điều trị khỏi ung thư. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân ngộ nhận thuốc nam trị được ung thư nên tự đi chữa trị bằng thuốc nam đến khi vào viện thì đã quá muộn”.

Lý giải về trường hợp bệnh nhân ung thư bị bệnh viện “chê” trả về nhà nhưng khi uống thuốc nam thì có dấu hiệu khỏe lại, PGS Tùng cho rằng: với trường hợp này, bệnh nhân đã vào thuốc, hóa trị ở bệnh viện, nhưng bệnh quá nặng nên bệnh viện trả về nhà để đỡ chi phí cho bệnh nhân. Khi về nhà là thời gian bệnh nhân ngấm thuốc, có biểu hiện khỏe lại và sống thêm một thời gian, khiến nhiều người nhầm tưởng do công dụng của uống thuốc nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Dụ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cho biết thêm, ngộ độc do thuốc nam đứng hàng thứ 5 trong các loại ngộ độc về thuốc và đang có hướng tăng. Trong thành phần các cây đều có hàm lượng độc tố ở các mức độ khác nhau, có những cây cực độc chứa độc tố như: aconitin, amotoxin...

Trong khi đó, thuốc nam lại được pha trộn từ nhiều loại cây, con vật độc, thậm chí nhiều thầy lang còn cho vào thuốc nam chu sa, thần sa, nhan môn... có hàm lượng kim loại nặng: chì, thủy ngân, asen... ở mức cao và nhiều độc chất khác khó xác định chính xác tên và hàm lượng nên bệnh nhân ngộ độc.

Do đó, để tránh ngộ độc do thuốc nam, bệnh nhân nên khám và bốc thuốc tại các cơ sở tin cậy, có giấy phép hành nghề và khi dùng thuốc tuân thủ theo chỉ định của lương y. Đơn thuốc phải ghi thành phần thuốc, hàm lượng thuốc, cũng như liều lượng sử dụng.

Nhiều “lương y”, lang băm sẵn sàng đi ngược lại đạo đức thầy thuốc trong khi chính người bệnh cũng đang liều mạng với sức khỏe và tính mạng của mình. Hơn ai hết, mỗi người bệnh hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình và tỉnh táo trong việc chọn thầy, bốc thuốc.

Bệnh nhân cần tránh các tình trạng đáng tiếc, bỏ qua cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm do chữa ung thư bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, ung thư khi đến giai đoạn muộn không chỉ có nguy cơ tử vong cao mà người bệnh còn phải chịu khổ sở vì đau đớn.