Loạn thị trường Đông y (1): Quy định của pháp luật về quảng cáo thuốc
Cập nhật lúc: 28/03/2017, 06:39
Cập nhật lúc: 28/03/2017, 06:39
Đúng như thành ngữ Việt Nam, "có bệnh thì vái tứ phương", nhiều người bệnh do thiếu thông tin và bị choáng ngợp bởi các quảng cáo "một tấc đến trời" của đơn vị kinh doanh mặt hàng đặc biệt này nên đã không tiếc tiền mua hàng chục, thậm chí hàng trăm loại thuốc khác nhau với mong muốn khỏi bệnh càng nhanh càng tốt.
Nhiều người có thói quen kết hợp cùng một lúc cả tây y và các loại thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, thậm chí là dùng thuốc theo đơn truyền miệng. Tuy nhiên, việc sử dụng cùng lúc quá nhiều loại thuốc trong tình trạng thiếu thông tin, đặc biệt đối với thuốc đông y là nguy cơ ngộ độc, gây đảo lộn tác dụng của thuốc, dẫn đến những nguy hiểm không lường trước được cho người sử dụng.
Chỉ cần lướt qua các trang mạng internet, mạng xã hội có thể dễ dàng bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn quảng cáo chữa đủ các thứ bệnh trên đời bằng thuốc đông y, từ gãy xương, đau khớp cho tới chữa ung thư,... của các "lang y", "thần y".
Đáng lưu ý, các quảng cáo này đều nhấn mạnh vai trò thần y, có các các bình luận về việc chữa khỏi các bệnh nan y mà y học hiện đại thậm chí còn bó tay trong thời gian rất ngắn.
Chưa xét đến việc các loại thuốc này có thực sự chữa được bệnh hay không nhưng ngay từ việc quảng cáo đã thấy những cơ sở kinh doanh này tâng bốc chất lượng thuốc, quá đề cao khả năng của các"thần y".
Trong khi đấy, các loại thuốc nói chung và thuốc đông y nói riêng là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện, trình tự quảng cáo thuốc.
Cụ thể như tại Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội quy định rằng: thuốc chỉ được phép quảng cáo khi tuân thủ theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt.
Trường hợp cá nhân hoặc công ty muốn thực hiện quảng cáo cần phải tuân theo những quy định về nội dung quảng cáo theo quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP như: tên thuốc quảng cáo phải theo quyết định cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam; có chỉ định của thuốc; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và khuyến cáo “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”,...
Theo đó, việc quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo nói, báo hình hay các phương tiện quảng cáo khác, cá nhân, công ty phải tuân theo phải đúng theo quy định.
Chưa kể các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc như: chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; bệnh lây qua đường tình dục; các chỉ định mang tính kích dục hay như chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;...
Các thông tin, hình ảnh về người bệnh; sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc,... cũng sẽ được cấm sử dụng khi quảng cáo thuốc.
Cá nhân, công ty muốn thực hiện quảng cáo có thể xem toàn văn Nghị định 181/2013/NĐ-CP tại đây.
07:02, 01/04/2017
08:01, 15/12/2015
20:09, 06/11/2015