24/11/2024 | 19:38 GMT+7, Hà Nội

Lập đoàn Công tác kiểm tra tình hình khắc phục tồn tại liên quan đến \"đất vàng\"

Cập nhật lúc: 06/01/2022, 16:06

Nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát NSNN, nhất là nguồn lực đất đai; Thanh tra Chính phủ chính thức lập Đoàn Công tác kiểm tra tình hình khắc phục tồn tạii liên quan đến "đất vàng".

Kiểm tra tình hình khắc phục tồn tại liên quan đến "đất vàng"

Ngày 5/1, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã chủ trì công bố quyết định thành lập Đoàn công tác số 1 của Thanh tra Chính phủ để kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo Kết luận thanh tra số 1203/KL-TTCP ngày 16/05/2017 và Kết luận thanh tra số 1468/KL-TTCP ngày 04/09/2018 của Thanh tra Chính phủ tại thành phố Hà Nội. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết số 127/2021 của Chính phủ, nhằm xử lý những khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai; từ đó báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng quỹ đất, quỹ nhà ở để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị giai đoạn 2002-2014 và Kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Đoàn công tác gồm 9 thành viên do ông Lê Ngọc Quang - Phó Cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn; thời gian kiểm tra là 20 ngày làm việc thực tế. Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra, xem xét những khó khăn, vướng mắc để báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại.

Kiểm tra tình hình khắc phục tồn tại liên quan đến đất vàng
Kiểm tra tình hình khắc phục tồn tại liên quan đến đất vàng tại Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố quyết định thanh tra, Ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, những nội dung kết luận, kiến nghị trong kết luận thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý; UBND TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị có liên quan bắt buộc phải thực hiện. 

Đồng thời, ông đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung báo cáo theo đề cương, phối hợp tốt với Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ, tạo mọi điều kiện để Đoàn hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất, trong thời gian ngắn nhất và yêu cầu các thành viên của Đoàn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thanh tra cũng như phòng chống dịch Covid- 19 trong điều kiện hiện nay.

Thực trạng hoang hóa "đất vàng" nhiều năm

Trước thực trang hoang hóa "đất vàng" kéo dài, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện đang gây lãng phí tài nguyên đất. Không ít lô đất vàng, với vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được triển khai xây dựng và dừng thi công. Thực trạng này đã khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, lợi ích người dân sống trong vùng quy hoạch dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại thời điểm đó,  tại phiên giải trình về kết quả giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, thành phố hiện có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chiếm 23,1%), với hình thức và mức độ khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng; 22 dự án chậm hoàn thành công tác; 4 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.

Thông tin với báo chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu “đất vàng” bị bỏ hoang. Bắt nguồn cho việc dự án bị treo có thể kể đến như chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng…

Dự án bị treo gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị cần phải thu hồi đất 

Cũng theo vị đại diện này, quy định tại Luật Đất đai nêu rõ nếu dự án quá 01 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi. Nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít, việc chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ dự án hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đang gây ra nhiều hệ quả đối với nền sự kinh tế - xã hội của Thủ đô.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng cho rằng, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng. Bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân chính là do thay đổi chính sách đất đai; Điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; Thị trường bất động sản trầm lắng; Chủ đầu tư không quyết liệt; Quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô...

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/kiem-tra-tinh-hinh-khac-phuc-ton-tai-lien-quan-den-dat-vang-20201231000005007.html