19/01/2025 | 19:40 GMT+7, Hà Nội

Lãnh đạo và quản trị khác nhau như thế nào?

Cập nhật lúc: 24/02/2019, 23:00

Lãnh đạo và quản trị đều là sự tác động có hướng đích của chủ thể tới đối tượng, đều gắn với con người, xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người trong tổ chức để đạt các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, phương thức và hiệu lực tác động, phạm vi tác động, nội dung và hình thức thể hiện của lãnh đạo và quản trị có những điểm khác biệt.

Một trong những chức năng của Quản trị là lãnh đạo. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa lãnh và quản trị. Tuy nhiên, lãnh đạo và quản trị là hai vai trò khác biệt của người đứng đầu một tổ chức, một bộ phận hay một nhóm người. Lãnh đạo là một phần trong vai trò quản trị nhưng không phải là tất cả. Một quản trị viên thường được coi là một người lãnh đạo, nhưng một người lãnh đạo chưa chắc là một quản trị viên.

lanh dao va quan tri khac nhau nhu the nao
Ảnh minh họa

Quản trị là một chức vụ được chính thức trao ban do cấp trên và được thừa nhận ở cấp dưới. Quản trị viên là người có quyền sai khiến người dưới và hành xử công việc theo kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức. Quản trị viên phân bổ, giao việc cho người thừa hành đồng thời giám sát, theo dõi tiến độ và đánh giá công tác thực hiện công việc để thưởng, phạt theo quy định của tổ chức. Nói đến quản trị là nói đến quyền hành. Còn Lãnh đạo là khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng trên người khác để hoàn thành những mục tiêu mong muốn. Nhà lãnh đạo hướng đến tương lai, xây dựng chương trình hàng động và thu hút, truyền cảm hứng, khích lệ, phát triển mối quan hệ thông qua sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Như vậy, quản trị hướng tới hoàn thành mục tiêu thông qua mệnh lệnh và kiểm soát, lãnh đạo hướng tới hoàn thành mục tiêu thông qua động viên, khích lệ. Nói cách khác, quản trị hướng tới “công việc” hơn còn Lãnh đạo thiên về “con người” và mang tính nhân bản hơn.

Trong tổ chức, có hai hình thức lãnh đạo. Một là người lãnh đạo được ban quyền hành và được điều khiển người khác thông qua các quyền lực hợp pháp - legitimate power (được quyền phân công công việc và yêu cầu cấp dưới phải tuân theo); quyền lực tưởng thưởng - reward power (khen thưởng nhân viên những phần quà có giá trị vật chất hoặc phi vật chất nếu nhân viên đạt thành tích tốt, đạt chỉ tiêu); quyền lực cưỡng chế - coercive power (đưa ra các khung hình phạt về hành chính hay kinh tế đối với những nhân viên làm việc lơ là, không đạt chỉ tiêu, vi phạm kỷ luật). Ba quyền lực trên là những chủ yếu là do chức vụ mà có và thường được kiểm soát bởi tổ chức. Do đó người lãnh đạo này cũng chính là nhà quản trị.

Hai là người lãnh đạo được thừa nhận một cách bộc phát và tự nhiên nhờ vào khả năng của người đó trong việc gây ảnh hưởng đến người khác mà không nhờ vào các quyền lực hợp pháp xuất phát từ vị trí quản trị như trên. Những người lãnh đạo tự nhiên này thường được người khác ngưỡng mộ như một chứng nhân gương mẫu về cách tổ chức và thực hiện đối với đời sống cá nhân cũng như xã hội. Thông thường sự ngưỡng mộ này đến từ kinh nghiệm chuyên môn, lối sống của người lãnh đạo và vô hình dung họ có quyền lực trong sự sai khiến và điều khiển người khác. Đó là quyền lực nhân cách (referent power) và quyền lực chuyên môn (expert power). Hai quyền lực trên xuất phát từ phẩm chất đạo đức và kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn của người lãnh đạo, do đó họ được ngưỡng mộ và tôn sùng dẫn đến lời nói của họ có trọng lượng và được nghe theo chứ không phải do quyền hành từ chức vụ được trao cho.

Có thể khái quát về Nhà quản trị và Nhà lãnh đạo thông qua bảng sau:

 Nhà quản trị  Nhà lãnh đạo

- Tác động đến công việc

- Đạt mục tiêu thông qua hệ thống mệnh lệnh, yêu cầu công việc

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát

- Tác động đến con người

- Đạt mục tiêu thông qua cổ vũ động viên

- Đề ra phương hướng, viễn cảnh, chủ trương

Lương Đức (tổng hợp)