24/11/2024 | 17:21 GMT+7, Hà Nội

Làm thế nào khi ô tô bị "mất lái"?

Cập nhật lúc: 29/02/2016, 22:01

Xe ô tô bị "mất lái" hay "cướp lái" là hiện tượng xe bất ngờ bị mất kiểm soát tay lái dẫn đến việc chệch khỏi hướng chuyển động ngoài mong muốn của người lái và có thể dẫn đến rủi ro, tai nạn.

Tình trạng "mất lái" xảy ra khi nào?

Nguyên nhân của việc "mất lái" là do lỗi kỹ thuật. Nhưng đây là "lỗi ẩn" của xe mà chỉ có dùng thiết bị sửa xe hiện đại mới phát hiện ra.

Hiện tượng mất lái thường xảy ra khi xe đang đi nhưng gặp đường xóc.

Nếu độ chụm từng bên của xe bị sai nhưng độ chụm toàn phần vẫn đúng, ví dụ: Xe có độ chụm bên trái là -2 độ (xe bị dãn hay toe-out) còn độ chụm bên phải là +2 độ (xe bị chụm hay toe-in) - khi xe chuyển động trên đường phẳng hệ thống rô tuyn và thước lái sẽ tự động cân bằng hai bên trái và phải - dẫn đến độ chụm tổng bằng 0 độ - xe vẫn "đạt yêu cầu kỹ thuật" khi thử bằng thiết bị thử trượt ngang! hay còn gọi là side slip.

Xe bị hiện tượng này khi vào xóc có thời điểm một hoặc cả hai bánh trước bị nâng lên khỏi mặt đường - lúc này sự tự cân bằng độ chụm hai bên không còn nữa - bánh trước sẽ bị một bên doãng và một bên chụm như nguyên bản của nó - khi bánh xe vừa chạm xuống đường là lúc hiện tượng "cướp tay lái" xảy ra - nếu xe đi tốc độ càng cao thì chệch hướng càng mạnh.

Ngoài ra, hiện tượng "mất lái" còn xảy ra trong một số trường hợp:

  • Khi chiều dài của 2 rô tuyn lái bên phải và bên trái không bằng nhau
  • Khi thước lái lắp vào thân xe bị nghiêng (không theo phương nằm ngang)
  • Khi hệ thống tay đòn dẫn động của bót lái chính và bót lái phụ bị rơ mòn và không cùng phương nằm ngang

Cần chú ý bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan

Làm thế nào khi xe bị "mất lái"?

Khi bị mất lái/mất phanh, cần giữ bình tĩnh giữ chặt lái, kéo phanh tay, tiếp đến là cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất. Chú ý không được cố đánh lái để cho xe quay trở lại đường ngay.

Đồng thời, nhả ga để xe đi chậm lại và không đạp mạnh chân phanh. Chờ khi xe chậm, hãy quan sát kỹ và từ từ đánh lái cho xe trở lại phần đường của mình.

Người lái xe cũng có thể tìm cách đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ... và cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi...

Để hạn chế tối thiểu những rủi ro có thể dẫn tới mất lái, mọi người nên bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan như: Vô lăng, rô-tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe...

Khi lái xe chú ý:

Không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường.

Khi đi qua những địa hình trơn trượt, mưa ướt, phải giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng; giảm 20% nếu ôm cua.

Không nên phanh gấp, kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh, tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Tại những đoạn vào cua, bạn áp dụng cách chém cua hết mức có thể để giảm góc cua. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải lái xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía ta-luy âm (phía bên vực).

Không gạt về số 0 (N) quá lâu, bởi khi xe đang xuống dốc mà bạn đạp côn để về số 0 thì xe sẽ lao đi nhanh hơn và rất khó để vào lại được số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc.