22/11/2024 | 11:58 GMT+7, Hà Nội

Lãi suất giảm liên tục, người vay hồ hởi, người gửi thì \"ngại\"

Cập nhật lúc: 17/10/2021, 06:15

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc liên tục hạ lãi suất không phải là phương án tối ưu trong giai đoạn này. Việc lãi suất quá thấp có thể khiến dòng tiền huy động của các ngân hàng giảm sút.

Lãi suất đang thấp

Kể từ đầu năm 2021 tới nay, lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, tại thời điểm cuối tháng 9, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.

Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, nhóm này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng lần lượt 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45%/năm và 5,39%/năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc liên tục hạ lãi suất không phải là phương án tối ưu trong giai đoạn này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc liên tục hạ lãi suất không phải là phương án tối ưu trong giai đoạn này.

Trong khi đó, đối với ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng), lãi suất huy động của kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống còn 5,37%/năm; song lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng vẫn điều chỉnh tăng nhẹ lên 6%/năm. 

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, ngân hàng Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) hiện đang có mức lãi suất cao nhất là 4%. Các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động từ 3-3,9%.

Ở kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) giữ mức lãi suất là 6,25%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ở mức 6.8%. Ở những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB, NCB có mức lãi suất cao nhất là 6,8%.

Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big4 bao gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank ổn định, gần như không có thay đổi lãi suất tiết kiệm.

Hiện nay, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại các ngân hàng này vẫn đồng nhất là 3,1%/năm, các kỳ hạn 3-6 tháng dao động 3,4 - 4%/năm.

Ở chiều ngược lại, đối với lãi suất cho vay trong tháng 10 khá ổn định so với tháng trước, ít có sự điều chỉnh. 

Hiện tại, lãi suất cho vay ưu đãi được các ngân hàng áp dụng dao động trong khoảng từ 5%/năm đến 8,5%/năm với khoảng thời gian cho vay ưu đãi từ 3 tháng đến 36 tháng. Trong đó, PVcomBank có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với mức 5%/năm trong 6 tháng đầu và 12% từ tháng thứ 7 trở đi. 

Tiếp đến là VPBank với lãi suất ưu đãi từ 5,9%/năm với các kỳ hạn linh hoạt. Ở cùng mức lãi suất này, khách hàng có thể lựa chọn gói vay tại ngân hàng TPBank hoặc VPBank. HSBC, Shinhan Bank và BIDV cùng đưa ra mức lãi suất cho vay là 6,2%/năm.

Sacombank và VIB hiện là hai ngân hàng có lãi suất cho vay cao nhất trong tháng với mức lãi suất lần lượt là 8,5% và 8,3%. 

Lãi suất thấp, người dân “ngại” gửi tiền vào ngân hàng

Có thể nói, việc lãi suất cho vay liên tục được điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp động lực để hồi phục và phát triển. Thế nhưng, lãi suất cho vay giảm, đồng nghĩa với việc lãi suất tiết kiệm cũng giảm theo. Điều này khiến người dân “ngại” gửi tiền vào ngân hàng vì lãi suất thấp.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, tại tháng 7/2021, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Luỹ kế đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó. Trong 8 tháng năm 2019: 8,39%; 8 tháng năm 2018: 8,47%; 8 tháng năm 2017: 12%; 8 tháng năm 2016: 15,43%.

Mới đây, một số Hiệp hội, doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành từ 2% - 2,5%, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi kinh tế. 

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc liên tục hạ lãi suất không phải là phương án tối ưu trong giai đoạn này. Việc lãi suất quá thấp có thể khiến dòng tiền huy động của các ngân hàng giảm sút.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2020, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục giảm, mặt bằng lãi suất đã xuống rất thấp, hiện đang vào khoảng 5-5,5%/năm. 

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra vấn đề giảm thêm lãi suất huy động nữa.

“Các ngân hàng chủ yếu là đi vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.

Chia sẻ về lãi suất cho vay, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm hơn 1,5 điểm % so với trước dịch và vẫn đang có xu hướng giảm từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong khi đó, nếu áp dụng biên lợi nhuận khoảng 2,5 điểm % trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, mức lãi suất cho vay hiện chỉ vào khoảng 8%/năm. Thực tế, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng duy trì ở mức này, thậm chí thấp hơn với các gói cho vay đặc thù.

Vì vậy, để giảm thêm được lãi suất, ông Tú cho rằng các ngân hàng cần tiết giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận. Đây cũng là 2 vấn đề được NHNN liên tục chỉ đạo, đốc thúc các ngân hàng thực hiện trong thời gian qua.

Nguồn: https://congluan.vn/lai-suat-giam-lien-tuc-nguoi-vay-ho-hoi-nguoi-gui-thi-ngai-post161759.html