19/01/2025 | 18:15 GMT+7, Hà Nội

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Nhiều vấn đề nóng được đưa ra ngay ngày khai mạc

Cập nhật lúc: 21/05/2019, 10:45

Sáng 20/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7.

 Nhiều vấn đề nóng, được dư luận quan tâm như: Việc gian lận thi cử; dâm ô trẻ em;  vụ thỉnh oan gia trái chủ chùa Ba Vàng; mê tín dị đoan; giá điện, xăng tăng… mà cử tri quan tâm đã được đưa ra ngay trong ngày khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Sáng 20/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 7. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, kỳ họp thứ 7 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức; bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Trong nước, những khó khăn, hạn chế, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh đang ảnh hưởng bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất, nêu cao tinh thần đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, biến lời nói thành hành động, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra trong năm 2019.

Trong thời gian qua, kể từ sau kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị nội dung của kỳ họp thứ 7. Về cơ bản, các dự án, dự thảo, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Nhiều vấn đề gây bức xúc xã hội được cử tri quan tâm

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 cùng báo cáo thẩm tra; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Tờ trình về việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cụ thể, Chính phủ sẽ tổ chức tốt kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử. Cử tri ghi nhận việc Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Song, đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Về kinh tế - xã hội, cử tri, nhân dân rất bức xúc việc một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em. Điển hình như vụ việc có hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn; vụ hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu; vụ 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; vụ 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường do thịt lợn dùng để chế biến đã bị nhiễm khuẩn.

Cử tri cũng đề cập việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” để trục lợi ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội...

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20/5 đến 14/6. Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới, bên cạnh đó còn có chương trình giám sát chuyên đề và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

Lê Bảo