Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Sẽ thông qua Luật Phòng, chống tác hại rượu bia
Cập nhật lúc: 18/05/2019, 14:00
Cập nhật lúc: 18/05/2019, 14:00
Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Toàn cảnh buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Lê Bảo
Phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại một kỳ họp). Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội. Tham gia các Đoàn giám sát có phóng viên của Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức ghi hình, biên tập xây dựng phóng sự phục vụ Đoàn giám sát sử dụng hình thức báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.
Như mọi kỳ họp giữa năm, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Việc xem xét báo cáo này sẽ được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, xem xét, thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Báo chí sát cánh cùng kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo giới về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo căn cứ dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ban hành Kế hoạch 1304/KH-VPQH về triển khai công tác thông tin, báo chí phục vụ kỳ họp.
Theo đó, mục đích, yêu cầu triển khai công tác thông tin, báo chí phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tổ chức hiệu quả công tác thông tin, báo chí tuyên truyền kịp thời, sâu rộng về các hoạt động của Quốc hội diễn ra tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; Bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hữu quan bảo đảm công tác an ninh, trật tự đối với phóng viên tác nghiệp tại các khu vực dành cho báo chí theo quy định; Tổ chức nắm bắt thông tin, dư luận xã hội về kỳ họp phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội; Bảo đảm công tác chỉ đạo và định hướng nội dung tuyên truyền đối với những vấn đề quan trọng, nhạy cảm được xem xét, thảo luận, thông qua tại kỳ họp nhằm tạo điều kiện để các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chính xác.
Về nội dung công tác thông tin, tuyên truyền: Thông tin, phản ánh đầy đủ, kịp thời tới cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội tại kỳ họp, dự kiến gồm: 7 dự án luật được Quốc hội thông qua và 9 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, tuyên truyền kịp thời, chính xác về việc Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Bên cạnh đó, thông tin, phản ánh kịp thời hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp, gồm: Báo cáo giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020 và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Thông tin, tuyên truyền hoạt động bên lề của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước về các nội dung được Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp.
Lê Bảo
13:00, 12/05/2019
10:20, 10/05/2019
07:01, 04/05/2019