Kỳ 4 - Quảng Ninh: "Đá bóng" trách nhiệm tại Dự án cầu Bắc Luân II
Cập nhật lúc: 30/09/2019, 18:34
Cập nhật lúc: 30/09/2019, 18:34
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp?
Trước đó, chúng tôi đã có những phản ánh về việc Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) được UBND tỉnh Quảng Ninh cho thuê và sử dụng hơn 29.000 m2 đất tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II (Dự án cầu Bắc Luân II) trong khoảng thời gian từ 21/12/2018 đến 30/6/2021.
Điều đáng nói là việc 29.000 m2 đất này nằm trong Dự án đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Theo quy định pháp luật, việc thực hiện các hoạt động kinh doanh hay xây dựng công trình trên dự án này phải thông qua các bước đấu thầu và lựa chọn nhà thầu. Thế nhưng, bằng cách nào đó mà Công ty Tân Đại Dương lại được cho phép xây dựng và đưa vào hoạt động 2 điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu trong Dự án này.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên (pv) đã tìm đến các cơ quan quản lý hành chính tại địa phương. Tuy nhiên, thay vì trả lời những nghi vấn được đưa ra, thì pv đều chỉ nhận được những câu trả lời với nội dung tương tự nhau: “chúng tôi không phụ trách/nắm được Dự án này (?)”. Phải chăng Dự án cầu Bắc Luân II có nhiều điều đáng lưu tâm, khiến không một cơ quan nào thừa nhận có sự liên quan?
Đặc biệt hơn cả, là 2 điểm kiểm hóa này được Công ty Tân Đại Dương “lấp liếm” rằng đây chỉ là công trình tạm, và hoàn toàn đúng pháp luật để hoạt động. Thế nhưng, khi đối chiếu với các điều khoản quy định trong Luật xây dựng, thì 2 điểm kiểm hóa này không hề mang tính chất của các công trình xây dựng tạm, được dùng để hỗ trợ cho việc xây dựng công trình chính.
Để làm rõ vấn đề, pv đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh, đề nghị được làm rõ những vấn đề cốt lõi như: Vì sao Công ty Tân Đại Dương được cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn cho 2 điểm kiểm hóa; 2 điểm kiểm hóa không mang tính chất của công trình tạm, tại sao vẫn được xây dựng và đưa vào họat động từ tháng 3/2019; dựa vào quy định pháp luật cụ thể nào để đồng ý cấp giấy phép này?
Thế nhưng, câu trả lời của Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh chỉ có nội dung là: các câu hỏi trên không thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh, do vậy Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh không có thông tin để cung cấp... trường hợp muốn tìm hiểu rõ nội dung trên, đề nghị liên hệ với UBND thành phố Móng Cái và các sở chuyên ngành khác có liên quan.
“Đá” trách nhiệm cho thành phố
Tại buổi phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật Kết Nối, ông Hùng cho biết theo quy định của Luật đấu thầu thì việc xây dựng các công trình thuộc dự án PPP buộc phải qua đầu thầu trước khi triển khai xây dựng, việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép Công ty Tân Đại Dương xây dựng 2 điểm kiểm hóa bên trong dự án cầu Bắc Luân II là hoàn toàn trái quy định pháp luật.
Từ việc chấp thuận đề xuất xây dựng 2 điểm kiểm hóa tạm cho đến cấp giấy phép sử dụng phần diện tích đất thuộc Dự án cầu Bắc Luân II đều do UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Rõ ràng, trường hợp này lỗi hoàn toàn thuộc về UBND tỉnh Quảng Ninh và trách nhiệm của UBND tỉnh Quảng Ninh là không nhỏ.
Thế , Sở KHĐT tỉnh Quảng Ninh lại “chỉ định” UBND thành phố Móng Cái để trả lời những nghi vấn trên? Đáng chú ý hơn nữa, là việc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng dường như cũng “ngó lơ” vụ việc này, cho dù pv đã nhiều lần tìm cách liên hệ để làm rõ thêm thông tin.
29.000 m2 đất là không nhỏ, đặc biệt lại nằm trong Dự án cầu Bắc Luân II, đóng vai trò là cửa khẩu thông quan hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc. Liệu rằng có sự móc nối, tạo điều kiện cho Công ty Tân Đại Dương được thuê phần đất này để kinh doanh, thu lợi từ việc trung chuyển xe cộ, hàng quá qua lại nơi đây?
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc./.