22/11/2024 | 11:43 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 3 - Quảng Ninh: “Công trình tạm” trên đất Dự án cầu Bắc Luân II

Cập nhật lúc: 05/09/2019, 11:14

Theo Công ty Tân Đại Dương, thì 2 điểm kiểm hóa đang hoạt động trong Dự án cầu Bắc Luấn II chỉ là “công trình xây dựng tạm”

Lách luật để hoạt động

Trước đó, theo phản ánh tại Kỳ 2 - Quảng Ninh: Tồn tại công trình trước đấu thầu tại Dự án cầu Bắc Luân II, pv đã được gặp và làm việc với Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT của Công ty Tân Đại Dương, 2 điểm kiểm hóa (2 điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu) tại Dự án chỉ là công trình xây dựng tạm với thời hạn ngắn, sẽ được dỡ bỏ khi hết thời gian thuê đất tức ngày 30/6/2021.

Tuy nhiên, theo Điều 131 Luật xây dựng 2014 quy định: “Công trình xây dựng tạm là công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính”. Thế nhưng, 2 điểm kiểm hóa này của Công ty Tân Đại Dương lại được xây dựng kiên cố, bao gồm nhiều khu vực như: Khu nhà văn phòng làm việc; bể cấp nước sinh hoạt, cứu hỏa; trạm điện; nhà vệ sinh; nhà kiểm hóa...

Với nhiều hạng mục công trình như vậy, liệu có thể đánh đồng 2 điểm kiểm hóa này với một “công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính” theo quy định pháp luật? Căn cứ theo Hợp đồng thuê đất giữa UBND tỉnh Quảng Ninh và Công ty Tân Đại Dương, thì số tiền thuê đất mà doanh nghiệp này phải chi trả chỉ hơn 110 triệu đồng cho hơn 29.000 m2 trong suốt khoảng thời gian từ 21/12/2018 đến 30/6/2021.

Công ty Tân Đại Dương chỉ phải trả hơn 110 triệu đồng cho 2 năm rưỡi thuê đất Dự án?

Được biết, 2 điểm kiểm hóa này được xây dựng với tính chất là khu kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tạm thời phục vụ cho các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cầu Bắc Luân II trong thời gian chờ Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II xây dựng.

Như vậy, phải chăng cái tính chất, mục tiêu ban đầu được đề ra chỉ là một cái cớ thích hợp cho việc giao đất có thời hạn cho Công ty Tân Đại Dương thực hiện việc kinh doanh trong Dự án cầu Bắc Luân II? Biết rằng, không chỉ có chức năng là khu kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, mà 2 điểm kiểm hóa này cũng đồng thời cung cấp các dịch vụ thu phí khác như lưu bến bãi, cấp điện, nước...

Ngày 13/8/2019, phóng viên đã có buổi trao đổi với đại diện Ban quản lý Dự án cầu Bắc Luân II. Theo đó, BQL cho biết hiện Dự án mới chỉ thực hiện xong đấu thầu giai đoạn 1, chưa có bất kỳ công trình nào được xây dựng và đi vào hoạt động. Thế nhưng, khi đề cập đến 2 bãi kiểm hóa của Công ty Tân Đại Dương hiện đang nằm trong Dự án thì BQL lại trả lời là... chưa nắm được vụ việc và sẽ cho kiểm tra lại?

Cơ quan chức năng né tránh

Để làm rõ hơn về các vấn đề liên quan đến Dự án cầu Bắc Luân II và những nghi vấn về Công ty Tân Đại Dương, phóng viên (pv) đã tìm đến các cơ quan quản lý hành chính tại địa phương. Tuy nhiên, thay vì trả lời những câu hỏi được đưa ra, thì pv lại được “đá” qua lại giữa nhiều cơ quan khác nhau, từ UBND thành phố Móng Cái đến UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Ninh...

Tại tất cả các cơ quan này, pv đều nhận được những câu trả lời với nội dung tương tự nhau: “chúng tôi không phụ trách/nắm được Dự án này (?)”. Phải chăng Dự án cầu Bắc Luân II có nhiều điều đáng lưu tâm, khiến không một cơ quan nào thừa nhận có sự liên quan?

Quy mô của 2 điểm kiếm hóa tạm lên đến 29.000 m2

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật Kết Nối nhận định: “Theo quy định của Luật đấu thầu thì việc xây dựng các công trình thuộc dự án PPP buộc phải qua đầu thầu trước khi triển khai xây dựng. Theo đó, phía chủ đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm lên phương án đấu thầu, giá thầu, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và tổ chức đầu thầu theo đúng quy định pháp luật.

Theo quy định của Luật xây dựng thì nhà kiểm hóa không phải là công trình xây dựng tạm để phục vụ cho dự án. Công trình này rõ ràng cũng nằm trong các hạng mục đầu tư xây dựng, có trong thiết kế, quy hoạch.

Như vậy, việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép Công ty Tân Đại Dương xây dựng 2 điểm kiểm hóa bên trong dự án cầu Bắc Luân II là hoàn toàn trái quy định pháp luật.”

Đồng thời, Luật sư Hùng cũng khẳng định: “Trong trường hợp này rõ ràng cách làm việc của UBND tỉnh Quảng Ninh là trái quy định pháp luật, cần thanh tra, kiểm tra xem có tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước không? Để quy trách nhiệm cụ thể cho các bên. Cần phải kiểm toán, đánh giá lại toàn bộ các hạng mục đầu tư, chi phí đầu tư, bóc tách khối lượng, dự toán để có cái nhìn tổng thể hơn về vi phạm của các bên, từ đó đưa ra các quy định xử lý theo quy định của pháp luật. Cần phải dừng việc thực hiện hợp đồng PPP và xem xét khối lượng thực tế Công ty Tân Đại Dương.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.