18/01/2025 | 18:00 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 1: Quảng Ninh: Nhiều vấn đề quanh doanh nghiệp trúng thầu Dự án cầu Bắc Luân II (giai đoạn 1)

Cập nhật lúc: 23/08/2019, 15:00

Là doanh nghiệp trúng thầu giai đoạn 1 của Dự án cầu Bắc Luân II, thế nhưng Công ty Tân Đại Dương vẫn còn nhiều nghi vấn phải làm rõ liên quan đến Dự án này.

Doanh nghiệp trúng thầu không xa lạ với tỉnh

Ngày 31/8/2017, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II (Dự án cầu Bắc Luân II) đặt tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chính thức được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, với diện tích 532.600m2.

Theo đó, Dự án cầu Bắc Luân II là dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có tính chất là khu vực được định hướng bố trí quỹ đất các cơ quan quản lý (hải quan, biên phòng, kiểm dịch, kiểm hóa,...) và các khu thương mại, dịch vụ, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật khác theo đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.

Với chiều dài 3,5km, Dự án cầu Bắc Luân II đi qua các khu dân cư thuộc phường Hải Hoà, TP. Móng Cái, với 306 hộ dân nằm trong diện bồi thường GPMB. Đến ngày 4/6/2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Móng Cái đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cầu Bắc Luân II (giai đoạn 1).

Dự án cầu Bắc Luân II đã công bố kết quả sơ tuyển đấu thầu giai đoạn 1

Dự án cầu Bắc Luân II đã công bố kết quả sơ tuyển đấu thầu giai đoạn 1

Ngày 12/8/2019, UBND thành phố Móng Cái ra quyết định phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II (giai đoạn 1). Theo đó, nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương (Công ty Tân Đại Dương) có địa chỉ tại phường Trần Phú, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có địa chỉ tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Theo công bố của bên mời thầu, Dự án gồm 2 hợp phần, 1 hợp phần áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), 1 hợp phần áp dụng loại hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao). Cụ thể, tại hợp phần áp dụng loại hợp đồng BOT, nhà đầu tư đầu tư các hạng mục có thu phí từ người sử dụng bao gồm các khu KS03 (khu vực kiểm tra, giám sát đối với phương tiện xuất cảnh), KS04 (khu vực kiểm tra, giám sát đối với phương tiện nhập cảnh), KB02 (khu vực kho - bến bãi cho thuê tập kết hàng chờ xuất nhập khẩu), BX02 (bãi đỗ xe cá nhân cho khách vào làm thủ tục xuất nhập cảnh).

Trước đó, Công ty Tân Đại Dương từng được công bố trúng Gói thầu Xây lắp công trình xây dựng khu nhà tạm liên ngành cầu Bắc Luân II.

Nhiều vấn đề liên quan đến Công ty Tân Đại Dương

Được biết, Công ty Tân Đại Dương không quá xa lạ với dự án trên bởi nhà đầu tư này từng bày tỏ sự quan tâm tới Dự án từ những năm 2014, khi Dự án mới chỉ có trên giấy tờ. Tuy nhiên, thời điểm trước đấu thầu giai đoạn 1, Công ty Tân Đại Dương từng bị người dân sinh sống tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái tố cáo về hành vi đe dọa, o ép và cố ý san lấp khi chưa thực hiện xong công tác GPMB.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thước (khu 5, phường Hải Hòa, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) trình bày: Gia đình bà có một số thửa đất nông nghiệp tại khu 5 phường Hải Hòa, nằm trong diện tích đền bù giải tỏa, để phục vụ dự án Trụ sở làm việc của Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, do Công ty Tân Đại Dương thi công.

Tuy nhiên, khi gia đình bà chưa nhận được tiền bồi thường theo quy định, thì Công ty Quốc tế Tân Đại Dương đã nhiều lần tiến hành san lấp và đe dọa gia đình bà. Đặc biệt, trong ngày 11 và 12/5/2018, công ty này lại tiếp tục huy động máy móc thiết bị, tiến hành san lấp toàn bộ hơn 1.500m2 đất của gia đình bà.

Đầu năm 2019, cầu Bắc Luân II đã chính thức thông quan

Đầu năm 2019, cầu Bắc Luân II đã chính thức thông quan

Liên quan tới vụ việc, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương cho biết Công ty đã phối hợp cùng Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Móng Cái, tổ chức lên phương án thỏa thuận với người dân đền bù GPMB theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh đề ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn có một số hộ dân gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, cơ quan ngôn luận để gây sức ép, vì muốn được đền bù, bồi thường khoản tiền lớn hơn so với quy định.

Không chỉ bị người dân phản ánh về vấn đề GPMB, Công ty Tân Đại Dương còn có những nghi vấn liên quan đến vấn đề thi công, hoạt động của các công trình là 2 điểm kiểm tra phương tiện xuất nhập cảnh bên trong Dự án cầu Bắc Luân II. Theo đó, những vi phạm tại 2 điểm kiểm tra này là rất nghiêm trọng, thế nhưng lại được UBND tỉnh Quảng Ninh “tạo điều kiện” thực hiện.

Với những sai phạm của Công ty Tân Đại Dương tại Dự án cầu Bắc Luân II, chúng tôi xin được phân tích cụ thể hơn tại kỳ sau.