23/11/2024 | 20:51 GMT+7, Hà Nội

Kỳ 1: Mã Pì Lèng - hùng vĩ cung đèo cheo leo theo 9 khoanh núi

Cập nhật lúc: 20/10/2019, 13:10

Không phải đến khi Mã Pì Lèng Panorama làm dư luận nổi sóng thì Hà Giang, vùng đất có một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ bậc nhất Việt Nam cũng như vùng phên dậu cực Bắc Hà Giang mới trở nên nổi tiếng.

LTS: Không phải đến khi Mã Pì Lèng Panorama làm dư luận nổi sóng thì Hà Giang, vùng đất có một trong tứ đại đỉnh đèo hùng vĩ bậc nhất Việt Nam cũng như vùng phên dậu cực Bắc Hà Giang mới trở nên nổi tiếng. Từ lâu, có một “miền đá nở hoa” kéo dài suốt tháng 10 cho đến hết năm, quyến rũ bước chân khách lãng du đến với cao nguyên đá Đồng Văn. Sài Pìn Tủng, Síng Lủng, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé… các địa danh sẽ lần lượt được nhắc nhớ ở loạt phóng sự mới của Photo Travel, bắt đầu từ tuần này.

    Ở nơi được ví như “trái tim” của cao nguyên đá, thực sự tôi đã rợn ngợp trước khung cảnh hùng vĩ của những vách núi, hẻm vực sâu hun hút cùng ánh nước biếc xanh của dòng Nho Quế.

    Là “danh thắng quốc gia” được công nhận năm 2009, đèo Mã Pì Lèng nằm trên vùng đất hai xã Pải Lủng và Pả Vi của huyện Mèo Vạc. Đó là cung đường hiểm trở trên quốc lộ 4C, dài khoảng 20km, vượt đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

    Giữa cao nguyên đá hùng vĩ, đèo Mã Pì Lèng được biết đến là một trong những cung đường hiểm trở với những vách đá tai mèo dựng đứng và 9 khúc uốn lượn quanh co. Nhiều người đã ví Mã Pì Lèng như Kim Tự Tháp của người Mông hay Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam nằm trên tuyến đường nối những địa điểm du lịch của Hà Giang.
    Trập trùng mây núi phủ lên dòng Nho Quế, con sông chảy vào Việt Nam từ thôn Séo Lủng (xã Lũng Cú, Đồng Văn), đi qua hẻm núi Tu Sản rồi chạy dọc theo đèo Mã Pì Lèng …
    … ngang qua lớp lớp vách đá tai mèo lởm chởm của hệ thống công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, nhờ đó tạo nên dòng chảy mạnh xen giữa những hẻm vực, thung lũng ẩn hiện giữa non cao núi bạc, mây trời, tạo nên cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh.

    Trước khi mở con đường nối Đồng Văn về Hà Giang, Mèo Vạc còn là nơi sơn cùng thuỷ tận. Vùng đất này nằm cheo leo trên vách núi đá, đi lại khó khăn, một bên là vách đá thẳng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm. Cùng với phong cảnh hùng vĩ, trở ngại lớn nhất để đến Mèo Vạc chính là vượt đèo Mã Pì Lèng. 

    Ngay cái tên của con đèo, dù còn gây nhiều tranh cãi như: Mã Pì Lèng, Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, hay thậm chí là Mão Pì Lèng thì chữ “Pì” (dấu huyền) mới mang cái nghĩa “sống mũi con ngựa”, theo tiếng Quan Hỏa. Chỉ với sự nhầm lẫn giữa chữ Pì (dấu huyền) với Pí (dấu sắc) theo âm điệu của mỗi người xuôi khi hỏi người Mông về cái tên con đèo đã thành những câu chuyện. “Pí”, theo tiếng địa phương dùng để phân biệt giống đực và giống cái, nghĩa là Pí (dấu sắc) sẽ thuộc về giống cái. Tất nhiên đó mới chỉ là hiểu theo nghĩa đen bởi nghĩa bóng của tên gọi này lại chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở.

    Được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo”, quãng đường đèo Mã Pì Lèng không quá dài nhưng chạy cheo leo theo mép vực đủ để thách thức những tay lái vững.

    Giờ thì chạy cheo leo theo 9 khoanh núi là con đường Hạnh Phúc, một kỳ tích của hàng chục nghìn thanh niên xung phong 16 dân tộc 8 tỉnh miền Bắc thực hiện trong suốt 6 năm, từ 1959 đến năm 1965. Riêng đoạn đèo vượt đỉnh Mã Pì Lèng, những thanh niên trong đội cảm tử, khi đó gọi là đội cơ dũng, đã treo mình trên vách núi Mã Pì Lèng, đục đá, gài mìn, mở đường. 

    Tờ trình về đoạn qua đèo Mã Pì Lèng của Công trường Đồng Văn tháng 3/1964 đã viết như thế này: “Đường Đồng Văn - Mèo Vạc dài 22km nhưng chỉ có 10km ở hai đầu là đất hoặc đất xít, còn lại là toàn đá vôi xanh”. Năm 1961, khi Bác Hồ lên thăm Hà Giang, khi nghe đồng bào chia sẻ, đường mở đến đâu, ánh sáng văn minh và ấm no cho đồng bào các dân tộc đến đó, Bác hỏi vậy sao không gọi tên là đường Hạnh Phúc. Từ đó con đường mang tên Hạnh Phúc.

    Ngoài chiêm ngưỡng phong cảnh, trải nghiệm cuộc sống của người Mông bản địa trên đèo Mã Pì Lèng cũng thu hút du khách. Trong ảnh là một em bé dân tộc Mông theo chân mẹ trông ngô trong những hốc đất ít ỏi trên cao nguyên đá…
    … và chứng kiến những luống cày trên mảnh đất cằn cỗi của ông bố trong cuộc mưu sinh trên đá tai mèo.

    Giờ đây, nhìn từ con đường Hạnh Phúc huyền thoại có thể thấy những nóc nhà của người dân thôn Mã Pì Lèng. Với gần 90 hộ và hơn 400 nhân khẩu, họ chia làm hai nhóm, sống yên bình trên đỉnh núi và bên cạnh sông Nho Quế chảy dưới thung lũng. Cũng từ đỉnh đèo, bạn sẽ nhìn thấy trước cửa nhiều ngôi nhà là Tu Sản, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á và là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam. Nhìn những vách đá cao hàng trăm mét, sừng sững bên dòng Nho Quế nước xanh như ngọc ấy, bạn hẳn cũng như tôi trào dâng những cảm xúc kỳ lạ, không thể nào quên.

    Trạm dừng chân nơi đỉnh đèo có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Mã Pì Lèng sau khi vượt qua chặng đường nguy hiểm. Mỏm đá cheo leo giữa vách núi là điểm check-in được nhiều bạn trẻ lựa chọn để lấy toàn cảnh núi rừng và dòng sông dưới vực thẳm tuyệt đẹp.
    Trên cung đường "phượt" đẹp và hùng vĩ nhất Việt Nam này, không chỉ du khách trong nước, hai bạn trẻ từ nước Úc xa xôi cũng đã tìm đến chiêm ngắm hẻm núi Tu Sản từ đèo Mã Pì Lèng. Công trình không phép Panorama được xây trên khúc cua, trước cũng là mỏm đá nhiều khách dừng check-in, phía sau lưng hai du khách trong ảnh…
    … Chị Nguyễn Thu Hà, du khách từ Hà Nội, check-in tại khu vực mỏm đá ở đèo Mã Pì Lèng, nơi có tầm nhìn toàn cảnh hẻm Tu Sản.
    Tháng 10 là những ngày cao nguyên Đồng Văn vào "mùa đá nở hoa”. Các ruộng hoa lớn nhỏ được gieo trồng dọc theo quốc lộ 4C rất dễ bắt gặp suốt cung đường đèo Mã Pì Lèng. Cả một màu đỏ hồng của tam giác mạch bao phủ khắp không gian kỳ vĩ của những vách núi và là cảm hứng bất tận cho những ai yêu chủ nghĩa xê dịch.