21/01/2025 | 03:50 GMT+7, Hà Nội

Mã Pì Lèng - Nếu bình tĩnh hơn…

Cập nhật lúc: 15/10/2019, 15:00

Một Hà Giang đã hy sinh rất nhiều cho sự bình yên của đất nước trong chiến tranh biên giới phía Bắc, bây giờ đã, đang và rất có thể sẽ phải chịu tiếp sự hy sinh trong cảnh nhịn đói nằm ôm di sản.

Câu chuyện về ngôi nhà Mã Pì Lèng Panorama tưởng như đã ngã ngũ, khi Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án chỉ giữ lại hai tầng trên cải tạo làm điểm dừng chân cho du khách, các tầng còn lại sẽ bị phá dỡ và trồng thay thế cây xanh vào đó. Nhưng càng ngày càng nhiều hơn những ý kiến trái chiều, khác với xu hướng ban đầu nằng nặc đòi phá dỡ công trình của đông đảo dư luận.

Ngay từ đầu, tôi đã khẳng định rằng, những ý kiến phản đối công trình này là hoàn toàn chính đáng và dễ hiểu, và chắc chắn không ngoài mong muốn bảo vệ thắng cảnh Đệ nhất hùng quan này. Tuy nhiên, tôi vẫn nêu chính kiến của mình trong bài viết “Cục bê tông” trên đỉnh Mã Pì Lèng - Bài toán giữa bảo tồn và phát triển; rằng “nếu công trình không ảnh hưởng nhiều thì có thể sửa chữa cho hài hòa với cảnh quan xung quanh và nhất là phù hợp với văn hóa bản địa, ví dụ như về màu sắc, về kiến trúc, đặc biệt là về hình thức mái nhà… và nên giữ lại”.

Bây giờ, cơ quan chức năng của Hà Giang đã đề xuất, quả bóng đang nằm trong chân những người đứng đầu của địa phương này. Nếu lãnh đạo tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng cũng là điều hoàn toàn có thể giải thích được, cho dù tôi nghĩ trong thâm tâm họ có lẽ cũng không hề muốn. 

Trong xu hướng mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng, nếu không muốn nói là chi phối đến hành xử xã hội và đôi khi đến cả các quyết định của chính quyền địa phương, thì lãnh đạo tỉnh Hà Giang có muốn cũng khó mà “dám” cưỡng lại trào lưu đòi đập bỏ công trình này. Hơn nữa, trong bối cảnh phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi tại tỉnh đang diễn ra và nhất là trong thời điểm nhạy cảm trước Đại hội thì tư tưởng lấy chữ an làm trọng và “tránh dư luận chẳng xấu mặt nào” cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng nếu bĩnh tĩnh hơn một chút, hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề một cách khoa học, khách quan… chứ không phải là theo kiểu chiều theo dư luận.

Bây giờ bình tâm lại, ta hãy xem kỹ các ý kiến phản đối là gì. Ngoại trừ các ý kiến chỉ ra sai phạm về thủ tục và pháp lý là tương đối cụ thể và cũng đã được các cơ quan chức năng thống nhất nên tôi sẽ không bàn ở đây, còn lại các ý kiến hầu hết là chung chung như: Một khối u bê tông, cái răng sâu bê tông xấu xí, khối u dị hợm trên đèo Mã Pì Lèng… mà ít thấy có ý kiến nào chỉ ra một cách cụ thể. Có chăng cũng chỉ là “làm mất đi cảnh quan tự nhiên của một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam”.

Ảnh: Nguyễn Trường/Dân trí

Nhưng “mất đi cảnh quan tự nhiên” cụ thể là gì? Phải chăng đó là cái màu sơn lòe loẹt Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu của công trình? Hoặc là sự không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh? Hay là sự “làm lộ ra các vật liệu nhân tạo”? Nếu thế thì quá đơn giản, vì chỉ cần xanh hóa công trình, không phải bằng màu sơn nhân tạo mà bằng chính cây xanh, thảm thực vật xanh phủ lên công trình là khắc phục được. Thì ngay trong chính đề xuất của Sở Xây dựng Hà Giang cũng nêu giải pháp phần phá dỡ sẽ cải tạo thành đất trồng cây xanh đó thôi.

Còn nếu công trình dị hợm hay không phù hợp với kiến trúc và văn hóa bản địa thì lỗi ấy cũng có thể sửa sai được. Chẳng hạn như phần nổi sẽ có cấu tạo mái chảy lợp ngói âm dương hay ngói ống theo phong cách kiến trúc bản địa. Mặt tiền cũng không phô phang với dòng chữ “Mã Pì Lèng Panorama” theo kiểu trưởng giả học làm sang mà sẽ là tấm biển gỗ mộc mạc đặt bên bờ tường xếp đá bên cạnh cây đào cổ chẳng hạn. Bức tường phía trước cũng không lộ ra chất bê tông cốt thép mà phủ lên đó là giả lập bức tường trình đất của kiến trúc bản địa.

Còn ý kiến cho rằng đây là một điểm di sản thiên nhiên chứ không phải một điểm du lịch nên không thể xây dựng một công trình du lịch thì tôi xin nói ngay, một di sản mà không có khách du lịch và không thu hút được khách du lịch là một di sản chết, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi, nếu không có người đến thì giá trị của di sản sẽ chẳng lan tỏa được đến ai và di sản ấy coi như đóng kín. 

Mặt khác, nếu không có nguồn thu từ du lịch thì lấy gì để bảo vệ chứ chưa nói đến bảo tồn, phát triển. Như thế thì trước sau di sản cũng sẽ bị phá vỡ. Vấn đề là phát triển du lịch như thế nào chứ không phải là cấm cửa du lịch. Và, câu chuyện quan trọng ở đây là rác thải, nước thải phải được xử lý như thế nào để không gây ô nhiễm môi trường và làm xấu cảnh quan mới là điều đáng bàn.

Như vậy, nếu bình tâm, hoàn toàn có thể tìm ra tiếng nói chung thấu tình đạt lý, đi đến một giải pháp bảo tồn và phát triển di sản một cách bền vững, mang lại lợi ích cho cả đất nước, người dân địa phương và chủ đầu tư… Nếu mọi giải pháp đều không thể thì đập bỏ cũng chưa muộn, còn chủ đầu tư lúc ấy chắc cũng tâm phục khẩu phục.

Vấn đề cốt lõi là làm như thế nào để mang lại lợi ích tối ưu, đồng thời hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến di sản, chứ không phải là không được làm cái nọ, không được làm cái kia.

Còn, no mất ngon, giận mất khôn. Nếu cứ khăng khăng quan điểm hễ động đến di sản là đập bỏ như hắt nước đổ đi thì các nhà đầu tư sẽ chùn tay, chẳng một ai dám bỏ tiền phát triển di sản. Và kết cục là người dân sống trong “đống vàng di sản” sẽ không bao giờ có thể cải thiện được cuộc sống của mình và ngày càng bần cùng hóa.

Tôi không bênh Hà Giang, còn nếu đúng thì bênh cũng chẳng sao. Tôi càng không bảo vệ cái sai của Hà Giang; sai thì phải sửa và phải xử lý. Nhưng tôi cũng không muốn phải chứng kiến Hà Giang phải “chết” một cách không thỏa đáng bởi những chỉ trích chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể. Vì nếu không chỉ ra một cách cụ thể và thuyết phục thì rất có thể, cái sai đó sẽ lại lặp lại ở một thời gian, không gian khác.

Tôi cũng không hề quen biết hay có dây mơ rễ má gì ở Hà Giang. Có chăng là những ấn tượng và ký ức về một Hà Giang những năm cuối thế kỷ trước với một Vị Xuyên, với một Thanh Thủy và với một điểm cao 685 được mệnh danh là “lò vôi thế kỷ” bởi pháo dập nhiều đến mức đá núi bị nung thành vôi. Và nhói lòng với những đêm xác liệt sỹ được đưa về liệm trong những tấm vải nằm trắng mặt đất và Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã phải huy động tổng lực làm trắng đêm mới xong công tác thương binh tử sỹ.

Và, tôi nghẹn lòng trước một Hà Giang đã phải chịu rất nhiều hy sinh cho sự bình yên của đất nước trong chiến tranh biên giới phía Bắc, bây giờ đã, đang và rất có thể sẽ tiếp tục phải chịu sự hy sinh trong cảnh nhịn đói nằm ôm di sản.