19/01/2025 | 09:27 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đối diện nguy cơ lạm phát lên đến 6 - 6,2%

Cập nhật lúc: 13/05/2022, 06:30

Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2022 đối diện với nguy cơ lạm phát có thể lên đến 6 - 6,2%, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu cũng tăng mạnh.

Lạm phát có thể lên mức kỷ lục 20 năm 

Phát biểu tại diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát của Việt Nam năm 2021 tăng 1,84%, thấp nhất từ năm 2016 mặc dù lạm phát thế giới tăng cao.

Việc Chính phủ chủ động chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, lạm phát 4 tháng đầu năm 2022 đã trong tầm kiểm soát. Theo đó, tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Lâm có nhiều yếu tố gây áp lực lạm phát năm 2022 và 2023 như lạm phát chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”.
Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”.

Trong đó, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới.

Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng; thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động và dự kiến tăng lương tối thiểu vùng; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng; giá lương thực gia tăng theo giá lương thực thế giới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.

Với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5%- 5,5%.

Trong khi đó, lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này,Tiến sĩ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023 chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến thế giới, khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và tình hình kinh tế - chính trị có nhiều biến động.

Tại khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) tháng 3/2022 ở 51,7 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã tác động dây chuyền đến giá các hàng hóa, dịch vụ khác.

“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,4%, trong khi lạm phát dự báo là 4%. Nhưng trong năm 2022, chỉ số lạm phát có thế lên đến 6 - 6,2%. Đây là mức lạm phát kỷ lục trong 20 năm trở lại đây", ông Lực nói thêm.

Cần kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Trước những nhận định này, TS Nguyễn Bích Lâm kiến nghị Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý. Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt trên thị trường thế giới. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có giải pháp nhập khẩu kịp thời nguyên nhiên vật liệu, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế...

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế nước ta sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6% nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2022-doi-dien-nguy-co-lam-phat-len-den-6-62-66970.html