29/03/2024 | 12:50 GMT+7, Hà Nội

NEU: Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang khó khả thi

Cập nhật lúc: 26/04/2022, 06:15

Đầu năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay dao động trong khoảng 6% - 6,5% và kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu này đang khó khả thi.

3 thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam

Trong ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 và triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022, nhóm tác giả của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho biết: Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất trong vòng 20 năm qua, GDP chỉ tăng 2,58%.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang khó khả thi.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang khó khả thi.

Nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong quý III/2021 với sự lan rộng của biến chủng Delta trong khi tỷ lệ tiêm chủng còn rất thấp, đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh và truy vết của Chính phủ, vốn đã rất thành công trong năm 2020.

Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế. 

PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học, NEU nhận định: Năm nay, kinh tế Việt Nam phải đứng trước 3 thách thức rất lớn trong quá trình phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa; theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, việc chính phủ và NHTW của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát, là có tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn.

Thứ ba, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán. 

Cụ thể, dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng. 

Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang khó khả thi

Đầu năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay dao động trong khoảng 6% - 6,5% và kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu này đang khó hoàn thành.

Về vấn đề này, PGS.TS Tô Trung Thành đánh giá: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022, tuy nhiên mục tiêu lạm phát dưới 4% đang khó khả thi.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông Thành cho biết: Nguyên nhân chủ yếu đến từ xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu cộng thêm chiến tranh Nga – Ukraine leo thang, đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát.

Đặc biệt, diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế. Tính đến ngày 11/3/2022, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so năm năm 2021, và nếu theo Dự thảo giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được thực hiện thì giá xăng dầu tăng 41%.

“Nếu giá xăng dầu tăng 45,2%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp Dự thảo được thực hiện, giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%”, PGS.TS Tô Trung Thành nhận xét.

Ông Thành nhấn mạnh: Với tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến mới và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng. 

Nhấn mạnh về một số tác động của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga, Việt Nam và Ukraine không quá lớn, chưa tới 1%.

Thế nhưng, sự xung đột giữa 2 quốc gia này lại tác động gián tiếp vào nhiều mặt hàng nhiên, nguyên liệu, khiến nhiều mặt hàng tăng giá chóng mặt.

Theo ông Hiển, ngoài xăng dầu, thì than đá được dùng để sản xuất điện cũng đang tăng chóng mặt, nhưng để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô không thể tăng giá điện trong thời điểm này.

“Việt Nam không nhập khẩu quá nhiều than đá từ Nga hay Ukraina, mà nhập chủ yếu từ Úc, Trung Quốc hoặc Philippines, thế nhưng, tình hình chung của thế giới là tăng, thì than đá chúng ta nhập ở đâu cũng sẽ tăng theo. Do đó, áp lực kiềm chế lạm phát năm nay rất lớn”, ông Hiển nói.

GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Để vượt qua những diễn biến bất thường của nền kinh tế thế giới, GS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị Chính phủ cần quán triệt ba quan điểm cơ bản sau khi đưa ra các chính sách.

Đầu tiên, các chính sách cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”.

Để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế thì sản lượng cần được duy trì gần mức tiềm năng; cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng.

Đồng thời, trong khi dư địa chính sách dần thu hẹp, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.

Nguồn: https://congluan.vn/neu-muc-tieu-kiem-che-lam-phat-duoi-4-dang-kho-kha-thi-post191562.html