19/01/2025 | 18:22 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam

Cập nhật lúc: 11/01/2021, 16:15

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho DN thông qua các khoản đầu tư. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm xã hội buộc các doanh nghiệp phải tham gia.

Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu để hướng đến phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn mới chỉ được thực hiện trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. Tại sao các doanh nghiệp trong nước chưa thể thực hiện xu thế này, đó là câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh hiện nay. 

Để làm rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Nguồn ảnh: Môt Thế giới.  

Thưa ông, thực tế cho thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Việc lựa chọn mô hình kinh tế tuần hoàn phải chăng là một yêu cầu tất yếu đối với nền kinh tế hiện nay?

Đúng vậy, đây là một yêu cầu tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển tương đương, nguồn lực sản xuất ngày càng cạn kiệt, nhất là nguồn lực không tái tạo được. Do vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn là một hướng đi đúng đắn, giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp đầu vào cho hệ thống kinh tế và giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp khi đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn có thể thu được nguồn lợi từ chính các hoạt động của mình. Nhưng đồng thời phải xác định việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là yêu cầu bắt buộc phải tham gia. Nó là trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp trong việc sử dụng phế phẩm, tái chế chất thải và giải quyết vấn đề môi trường.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm. Việc phát triển một nền kinh tế cho phép tận dụng, tái chế chất thải sinh hoạt, phế thải phát sinh trong xã hội cũng là một yêu cầu tất yếu, vừa giảm lượng chất thải thải ra, vừa tạo nguồn nguyên liệu mới cho các ngành sản xuất khác.

Theo ông, đâu là lợi thế của Việt Nam trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn?

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có một nền tảng vững chắc về mọi mặt để có thể phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, bao gồm nguồn lực quốc gia và nguồn lực xã hội hóa. Đã đến lúc phải quan tâm đầu tư về các chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thực tế cũng cho thấy hệ thống doanh nghiệp và người tiêu dùng ngày càng có nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế xanh. Do vậy, nếu Nhà nước có các chủ trương, chính sách đúng đắn, cụ thể sẽ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển hiệu quả hơn.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thành công trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đạt được được nhiều kết quả tích cực. Từ đó cho phép Việt Nam học tập kinh nghiệm thực tiễn về phát triển mô hình kinh tế của các quốc gia phát triển trên thế giới, tận dụng các cơ hội hợp tác về tiếp nhận chuyển giao công nghệ về thiết kế, chế tạo, công nghệ thông tin hiện đại.

Trong đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về triển khai phát triển nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc xử lý và tái chế rác thải áp dụng chính sách tái chế thống nhất trên toàn quốc. Tỉ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình tăng từ 38% năm 1975 lên 99% hiện nay và chỉ còn 1% chất thải được chuyển đến bãi tập kết rác.

Các quốc gia với nền kinh tế tuần hoàn phát triển trên thế giới (Ảnh: Internet). 

Xuất phát điểm từ nền kinh tế nông nghiệp, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Theo tôi, do xuất phát điểm từ một nền kinh tế nông nghiệp đã ảnh hưởng tới tập quán sản xuất và tiêu dùng của người dân Việt Nam, còn mang nặng tính tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ và tồn tại một khoảng cách chênh lệch lớn so với các nước phát triển trên thế giới. Do đó, việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, cho các ngành sản xuất và các địa phương.

Thực tế cho thấy, quá trình nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm đúng mức từ trung ương, địa phương và các doanh nghiệp. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có chiếc lựơc phát triển cụ thể; Hệ thống chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, từ các chính sách tài chính và phí tài chính, còn nhiều hạn chế, chưa có tác dụng trong việc khuyến khích, vận động doanh nghiệp và người dân tham gia.

Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sử dụng công nghệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Chính điều này đã làm cho sản phẩm bị lỗi nhiều. Các chất thải, phế phẩm phát sinh trong sản xuất lớn, không được thu gom, tái chế, mà ngược lại xả thải trực tiếp ra môi trường.

Hơn nữa, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.

Có ý kiến cho rằng, không ít doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho tái chế. Do đó, việc phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ý kiến này rất chính xác. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam góp một phần giảm bớt lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài về nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và nguồn nguyên liệu cho sản xuất của các ngành công nghiệp. Vì hiện nay, hầu hết các nguyên vật liệu chủ yếu đều nhâp khẩu từ bên ngoài, từ vật tư cho sản xuất, cho chế biến và gia công.

"Quan trọng hơn, việc phát triển kinh tế tuần hoàn cho phép Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu", GS.TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.

 

Phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng mà còn có giá trị về mặt kinh tế cho doanh nghiệp địa phương. Vậy làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam thật sự phát triển bền vững, thưa ông?

Để nền kinh tế thật sự phát triển bền vững Việt Nam cần tạo lập một môi trường – hệ sinh thái đồng bộ cho phát triển kinh tế tuần hoàn với các giải pháp sau:

Thứ nhất, chúng ta cần có một hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, Nhà nước cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận đến triển khai mô hình, từ đó vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam; Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia phổ biến.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, bao gồm nguồn nhận lực trong các hoạt động xử lý, phân loại chất thải và đội ngũ chuyên gia giải quyết được từ khâu thiết kế đến khâu cuối cùng tái sử dụng, tái chế chất thải.

Thứ tư, cần phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, mỗi người dân đều phải tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/kinh-te-tuan-hoan-huong-phat-trien-ben-vung-cho-kinh-te-viet-nam-20201231000000275.html