19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Kinh tế 5 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu khả quan

Cập nhật lúc: 02/06/2020, 16:23

Hậu Covid-19, kinh tế tháng 5 có những tín hiệu khả quan, nhưng cũng cảnh báo một số vấn đề. Trước hết, tăng, giảm một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Có triển vọng tăng trưởng

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản, trong điều kiện giảm diện tích, hạn mặn nặng, nhưng lúa được mùa, được giá, xuất khẩu gạo tăng cả về lượng (3,7%), cả về giá (13,0%), nên kim ngạch tăng (17,2%). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt kỷ lục tính từ 2013 cả về lượng và kim ngạch. Vải được mùa, được giá, xuất khẩu được vào các thị trường mới. Kim ngạch xuất khẩu cà phê, hạt điều tăng.

 Minh họa: Mỹ Hoa

Gỗ khai thác (5,627 triệu m3), nên xuất khẩu kỳ vọng cả năm sẽ cán mốc 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng thủy sản đạt khá. Cơ cấu sản xuất của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng cây công nghiệp, cây ăn quả, lâm nghiệp, thủy sản. Nhờ đó giá trị tăng thêm của nhóm ngành này quý I vẫn tăng; theo kịch bản của Bộ KH&ĐT thì cả năm vẫn tăng 2,4 - 2,5% (kịch bản 1), hoặc tăng 2,5 - 2,8% (kịch bản 2), đều cao hơn năm trước (2,01%).

Tuy nhiên, diễn biến hạn, mặn và bão lũ còn rất phức tạp. Đàn lợn vẫn chưa hồi phục, giá cao nhất lịch sử. Xuất khẩu rau quả, hạt tiêu, cao su, thủy sản vẫn còn giảm, có loại còn bị giảm sâu.

Trong sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt được tốc độ tăng so với cùng kỳ.

Giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng quý I tăng 5,15%, theo kịch bản của Bộ KH&ĐT thì cả năm vẫn tăng 5,8 - 6,7% (kịch bản 1) hoặc tăng 6,7 - 7,9% (kịch bản 2), cao nhất trong 3 nhóm ngành, góp phần đưa GDP toàn nền kinh tế tăng 4-5%, cao nhất trong khu vực và thuộc loại cao trên thế giới.

Tuy nhiên, IIP của toàn ngành công nghiệp tăng thấp (1,0%), của ngành khai khoáng vẫn giảm (8,1%); một số sản phẩm chủ yếu giảm (như dầu thô, khí đốt thiên nhiên dạng khí, khí hóa lỏng, đường kính, thức ăn gia súc, bia, vải dệt, quần áo, giày dép, sắt thép, ô tô, xe máy, điện thoại di động, ti vi).

Các yếu tố của tăng trưởng

Trước hết là vốn đầu tư, yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó vốn đầu tư NSNN của địa phương đạt khá cao so với kế hoạch năm (25,3%). Một số tỉnh, TP đạt cao hơn tỷ lệ chung (như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An…). So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư từ nguồn NSNN tăng khá cao, trong đó khu vực Trung ương tăng cao hơn khu vực địa phương (41,1% so với 11,9%). Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm của một số bộ/ngành, tỉnh, TP còn thấp, thậm chí một số nơi còn giảm làm cho nhiệm vụ của những tháng còn lại khá nặng nề.

Vốn đầu tư nước ngoài của các dự án được cấp mới đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, tăng 15,2%; Các dự án được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh đạt 3,5 tỷ USD, tăng 31,4%. Trong vốn đầu tư thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (73,6%). Kỳ vọng tới đây, lượng vốn của các nước chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng, cần có sự chuẩn bị đón, chọn lọc kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch.

Tiêu thụ trong nước (vốn là động lực của tăng trưởng), thực tế 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ nếu loại trừ yếu tố tăng giá đã bị giảm, khả năng cả năm sẽ còn giảm, nếu có tăng cũng thấp hơn tốc độ tăng dân số (khoảng 1,1%) - có nghĩa là tính bình quân đầu người vẫn bị giảm.

Xuất khẩu hàng hóa do nhiều yếu tố, nhất là do những đối tác lớn chưa kiểm soát được dịch Covid-19, hạ giá đồng nội tệ… nên đã tăng chậm lại (5 tháng đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7%; dự kiến cả năm theo Bộ KH&ĐT chỉ tăng 4%, vừa thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu ban đầu).

Bên cạnh đó, xuất khẩu dịch vụ không những không tăng, mà có thể còn bị giảm, do số lượt khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu (5 tháng đạt 3,74 triệu lượt người, giảm 48,8%, làm cho xuất khẩu dịch vụ du lịch bị giảm theo, có thể thấp xa con số 11,83 tỷ USD năm trước đến 4-5 tỷ USD). Xuất, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam có thể ở vị thế xuất siêu và là năm thứ 5 liên tục xuất siêu, nhưng nhập siêu lớn hơn về dịch vụ, nên tính chung cả hàng hóa, dịch vụ, Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu. Nếu dự đoán nhập siêu này là đúng sẽ tác động đến cán cân thanh toán tổng hợp, đến sự ổn định tỷ giá VND/USD,…

CPI tháng 5 giảm 0,03% so với tháng 4 và đây sẽ là tháng thứ 4 liên tục giảm, góp phần làm cho CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 4,39%, thấp hơn mức tăng tương ứng 4,9% của 4 tháng, tiếp tục xu hướng giảm của 3 tháng trước. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn tăng rất cao, giá xăng dầu sẽ tăng trở lại do tăng theo giá thế giới, do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất được phục hồi sau giãn cách xã hội.

Đánh giá chung nền kinh tế có tăng trở lại, nhưng tốc độ tăng sẽ thấp, có thể còn thấp nhất so với năm 2012 (5,25%), thậm chí còn thấp hơn cả năm 1999 (4,77%), năm 1989 (4,68%).