19/01/2025 | 09:34 GMT+7, Hà Nội

Kiểm tra và phạt nặng cơ sở bán C2, Rồng đỏ nhiễm chì

Cập nhật lúc: 17/07/2016, 12:11

Ngay sau khi phát hiện sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức cho phép vẫn lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Chi cục ATVSTP tỉnh này đã chính thức yêu cầu kiểm tra và phạt nặng các cơ sở còn bán 2 sản phẩm trên phạm vi toàn tỉnh.

 

Hơn một tháng kể từ khi Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định buộc công ty TNHH URC thu hồi lô C2 hương Trà xanh và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn, ngày 5/7 vừa qua, nhiều người ngỡ ngàng phát hiện sản phẩm C2 có hàm lượng chì vượt mức cho phép vẫn lưu thông trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, cho biết: “Dù không nhận được thông báo chính thức nhưng chúng tôi cũng nắm được thông tin là Công ty TNHH URC Hà Nội, đơn vị sản xuất 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì số tiền lên đến gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc Công ty phải thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm nói trên, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ trước ngày 10/6”.

“Luật quy định việc thu hồi là trách nhiệm của nhà sản xuất. Ngoài ra đơn vị sản xuất cũng đã nhận được chỉ đạo về việc phải thu hồi tối đa sản phẩm nhưng chúng tôi ngạc nhiên là tại sao sản phẩm lỗi đó vẫn bán với số lượng nhiều tại Phú Yên? Việc thu hồi của công ty URC được thực hiện thế nào, về vấn đề này chúng tôi đang vào cuộc để kiểm tra, lỗi từ công ty URC hay nhà phân phối.

Có thể lỗi này là do các nhà phân phối trên địa bàn cố tình không thu hồi hoặc thu hồi còn sót. Tuy nhiên, việc không thu hồi không hết thì lỗi cuối cùng vẫn là nhà sản xuất”, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, đến thời điểm này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ Y tế cũng như Cục vệ sinh An toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến 2 sản phẩm nhiễm chì. Tuy nhiên, khi biết được thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã chủ công tổ chức kiểm tra. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện ra cửa hàng, đại lý, nhà hàng nào đang bán 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ nằm trong lô bị thu hồi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên.

Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã phát đi thông báo trên các hệ thống báo đài địa phương để người dân nắm bắt được thông tin về sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì. Ngày 14/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên tiếp tục ra công văn, gửi đến các phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố. “Họ sẽ phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra; các trạm y tế giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, nếu phát hiện các lô nước nhiễm chì thì giữ lại, sau đó sẽ xử lý theo pháp luật”, ông Tâm cho biết.

Trước câu hỏi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên có mời Cảnh sát môi trường vào cuộc, ông Tâm trả lời: “Từ trước đến nay, việc kiểm tra định kỳ thường xuyên vẫn được ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp tiến hành, chủ yếu mang tính chất hướng dẫn để người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm hay khi nhận được phản ánh của người dân là có vi phạm thì sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Khi có sự cố, lực lượng liên ngành, trong đó có cảnh sát môi trường sẽ phối hợp kiểm tra. Với sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì, chúng tôi đang thực hiện hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nếu thấy cần thiết sẽ mời cơ quan công an vào cuộc”, ông Tâm nói.

Chi cục trưởng cho biết thêm, khi đã xác định do đâu mà nước giải khát C2 nhiễm chì vẫn còn được bày bán trên thị trường, thì cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt cao nhất đối vơi cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng.

Ông Huỳnh Công Điềm - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên cũng cho biết: “Tôi có nghe thông tin về việc nước giải khát C2 nhiễm chì nhưng chưa có công văn chỉ đạo từ cấp trên xuống nên chúng tôi chưa dám làm. Tôi có hỏi Cục Quản lý thị trường thì được biết rằng Bộ Y tế cũng chưa có văn bản đề nghị hay chỉ đạo”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên, trước những thông tin mà báo chí phản ánh, Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên đã đi kiểm tra và đang kiến nghị xem xét việc nhà sản xuất đã có động thái gì chưa và sẽ chỉ đạo các đơn vị cấp dưới kiểm tra các đại lý phân phối ở Phú Yên. Các đại lý, nhà phân phối ở Phú Yên nhập về bao nhiêu thùng nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì, đã bán ra bao nhiêu, thu hồi bao nhiêu…

“Nếu họ khai báo không trung thực thì sau khi cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng tạp hóa và truy xuất nguồn gốc, họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm nghiêm vụ này. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào sẽ được xem xét đến nơi đến chốn. Chúng tôi không dừng lại ở việc kiểm tra và thu hồi”, ông Điềm nói.

Liên quan đến sự việc này, bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên cho rằng sản phẩm nhiễm chì rất nguy hiểm đối với con người.

"Với trách nhiệm của mình, từ trước đến nay chúng tôi luôn quan tâm đặc biệt đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, với 2 sản phẩm lỗi ở trên, cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo, chỉ đạo nào từ Sở Y tế, Quản lý thị trường… nên không có căn cứ để vào cuộc" - bà Hòa cho hay. 

Đồng thời, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Phú Yên cũng nhận định: "Với những sản phẩm gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng, việc thu hồi sản phẩm đồng thời ra thông báo khuyến cáo, cảnh báo kịp thời là rất quan trọng. Thế nhưng, thực tế chúng tôi chưa thấy có thông báo hay chỉ đạo nào?".

URC chịu trách nhiệm thế nào?

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Giám đốc Công ty Luật Quốc Tế Thiên Việt (VIETSKY LAW FIRM), Giám đốc Trung tâm pháp luật – Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thành viên Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

URC đã vi phạm cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm bán ra. Ngoài việc bị cơ quan quản lý xử phạt và cưỡng chế thu hồi sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn công bố, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo quy định tại Mục 6 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 8 của Luật này quy định về “Quyền lợi của người tiêu dùng”, trong đó mục 6 nêu rõ người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.

Trường hợp Công ty URC không thu hồi hoặc tiếp tục cho lưu hành sản phẩm mà cơ quan chức năng ra quyết định cấm lưu hành (do độc hại) thì có thể áp dụng điều 76, điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015 để truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại.

Theo đó, Điều 76 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (được quy định tại điều 190) là một trong những tội mà pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 190 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Trong đó Khoản 1 điều này quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu chứng minh được Công ty URC vi phạm có tính chất chuyên nghiệp (Mục d, Khoản 2, Điều 190) hoặc “Tái phạm nguy hiểm” (mục h, Khoản 2, Điều 190) thì có thể phạt tiền Công ty này từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Thậm chí, có thể phạt tù Công ty này từ 08 năm đến 15 năm nếu chứng minh được những sai phạm này dẫn đến thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên (mục b, Khoản 3, Điều 190).

Điều 79 Bộ Luật Hình sự 2015 còn quy định: Trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì sẽ bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Dư luận đang mong mỏi các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp thanh kiểm tra để buộc Công ty này phải nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả vi phạm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.

Ngày 30/6, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã quyết định thu hồi 2 lô sản phẩm, gồm nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu (NSX: 10/11/2015; HSD: 10/8/2016) và lô Trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016; HSD: 4/2/2017) do có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép. Công ty URC-đơn vị sản xuất ra sản phẩm trên cũng bị phạt gần 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do sản phẩm nhiễm chì đã được tung ra thị trường trước đó nên việc thu hồi trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, công ty sản xuất chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào để khuyến cáo người dân về 2 sản phẩm nhiễm chì. Có thể, việc không có thông tin nên tại tỉnh Phú Yên cả người bán lẫn người mua vẫn vô tư dùng sản phẩm nằm trong lô bị thu hồi cho đến tận hôm nay.