Khu tập thể cũ vẫn "oằn mình gánh chuồng cọp"
Cập nhật lúc: 28/05/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 28/05/2019, 06:00
Trên địa bàn Hà Nội, hiện còn rất nhiều khu tập thể cũ như Thành Công, Nghĩa Tân, Minh Khai, Giảng Võ... Các khu tập thể này chủ yếu được xây dựng từ khoảng năm 1960, nay đã xuống cấp nghiêm trọng do tốc độ đô thị hóa và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Tại đây, không khó để bắt gặp những “chuồng cọp” mọc ra nhấp nhô với nhiều hình dáng, kích thước và chất liệu khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các hộ gia đình đều dựng "chuồng cọp" rất kiên cố với các khung sắt đua ra phía ngoài, thậm chí đổ bê tông, quây tôn hoặc xây tường. Không ít những hộ dân vì muốn cơi nới tối đa diện tích để ở nên bất chấp mọi nguy hiểm, đua ra ngoài 3 đến ,4 mét, rất nguy hiểm.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lan sống tại khu tập thể Thành Công cho biết: “Nếu gia đình chúng tôi không tự cơi nới ra thì không đủ diện tích để sinh hoạt. Nên bắt buộc phải làm để phơi đồ, để được cái bếp hay cái máy giặt cho đỡ chật trong nhà, thậm chí nhiều nhà người ta còn dựng lên trên mái nhà, bắn tôn chắc chắn để làm phòng ở, vì nhà đông người nên phải chấp nhận làm vậy”.
Hầu hết các “chuồng cọp” đều được người dân cơi nới, mở rộng từ ban công hay cửa sổ của ngôi nhà. Trong khi đó, kết cấu thông thường đối với nhà ở thì ban công, cửa sổ đều chính là nơi thoát hiểm mỗi khi có hỏa hoạn, sự cố xảy ra. Nhưng thực tế tại các khu tập thể cũ, lối thoát này lại bị “bịt” chặt bởi những song sắt kiên cố.
Nếu xảy ra cháy ở các căn hộ làm thêm các "chuồng cọp", để thoát nạn sẽ không dễ vì lối thoát đã bị bịt lại và hàn kín sắt. Bên cạnh đó, do gia cố vật liệu kiên cố là sắt thép, bê tông... nên khi cháy xảy ra, lực lượng phòng cháy và chữa cháy tiếp cận cứu người rất khó khăn, ngoài ra còn mất thời gian để cắt “chuồng cọp” khi xảy ra hỏa hoạn, trong khi việc xử lý sự cố cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn phải tính bằng giây.
Khi được hỏi về vấn đề an toàn trong trường hợp có cháy nổ, chị Hà - khu tập thể Thành Công - cho rằng: “Nếu có cháy là ý thức của người dân, không thể đổ lỗi do “chuồng cọp”. Ai cũng có ý thức thì sao cháy nổ có thể xảy ra được”.
Câu chuyện của chị Hà cũng là câu chuyện của nhiều cư dân đang sinh sống tại các khu tập thể cũ hiện nay. Họ đều khẳng định mức độ an toàn và cháy nổ không thể xảy ra, cũng không nhìn ra nguy cơ chính từ các "chuồng cọp" khi cháy nổ.
“Việc các hộ dân tự ý xây dựng cải tạo những "chuồng cọp" đã gây ảnh hưởng tới không gian và kiến trúc của tòa nhà. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Ngoài ra, theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà ghi rõ: Phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định” - Phó Chánh Thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng từng nêu rõ.
Tuy nhiên, trên thực tế, thì những quy định trên vẫn chỉ trên giấy tờ, khó có thể áp dụng được vì xét về tình về lý thì người dân “vi phạm” cũng chỉ là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Toản, Chủ tịch phường Thành Công cho biết: Trên địa bàn phường có số lượng chung cư cũ nhiều nhất Hà Nội, lên tới 67 chung cư và hầu hết là những chung cư đã hết niên hạn sử dụng. Ngay từ khi đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân đã cơi nới, làm “chuồng cọp” phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Đây là những tồn tại lâu năm, bên cạnh đó, nhiều “chuồng cọp” được gia cố lại nhiều lần, ăn vào cốt công trình, nên rất khó xử lý. Bây giờ chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân để làm thế nào không để hoả hoạn xảy ra tại khu chung cư mình. Việc phá dỡ là rất khó nên chỉ có thể động viên người dân”.
Cũng theo ông Toản, nếu bắt buộc phải xóa bỏ “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn cho người dân và tạo mỹ quan cho đô thị thì tốt nhất là cho doanh nghiệp vào cải tạo các chung cư cũ.
Hồng Hạnh
19:01, 07/05/2019
19:01, 04/05/2019
19:01, 16/04/2019