22/11/2024 | 15:59 GMT+7, Hà Nội

Không vì thiếu thịt lợn mà tăng đàn, tái đàn ồ ạt

Cập nhật lúc: 22/11/2019, 13:53

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp bàn giải pháp bình ổn mặt hàng thịt lợn giữa Bộ NN&PTNT với đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT một số tỉnh, TP và DN chăn nuôi, tổ chức ngày 18/11.

Theo Cục Chăn nuôi, vào tháng 2/2019 (thời điểm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát), giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam lần lượt là 46.151 đồng/kg và 51.750 đồng/kg; trong khi tại Trung Quốc cùng thời điểm là 41.230 đồng/kg. Đến tháng 11-2019, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt ở mức 66.500 đồng/kg và 63.500 đồng/kg. Trong khi giá lợn tại Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục là 137.238 đồng/kg.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá lợn trong nước nếu so với một số quốc gia lân cận, đặc biệt là Trung Quốc được coi là thấp và ít biến động trong suốt 10 tháng dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua mà báo chí phản ánh phần chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong đó, đã có biểu hiện hộ chăn nuôi găm hàng, tiểu thương thổi giá lợn lên cao.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn”. Ảnh: mard.gov.vn

Hiện nay, nguồn lợn thịt còn lại chủ yếu nằm ở các Cty, trang trại lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng dịch thì gần như không còn. Việc tiếp cận nguồn thịt lợn khó khăn khiến các cơ sở giết mổ phải mua lợn với giá cao.

Tại cuộc họp, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Viết Toàn cho biết, để tăng nguồn cung thịt lợn, thời gian qua, địa phương chủ trương tái đàn tại những vùng bảo đảm an toàn sinh học. Đến nay, đã có khoảng 360 cơ sở chăn nuôi tổ chức tái đàn. Dù vậy, 100% các cơ sở tái đàn đều là DN, trang trại lớn. Trong khi các hộ nông dân thì hầu như chưa tái đàn.

Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN&PTNT TP HCM chia sẻ, đến nay, giá lợn hơi bình quân khoảng 70.000 đồng/kg, mà thịt ba chỉ có nơi đã 200.000 đồng/kg. Do đó, có yếu tố trung gian. Trước đây, 1 ngày TP. HCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện nay chỉ 8.000 - 8.500 con, giảm 15%. Người bán lẻ phải bán tăng giá lên để bù đắp chi phí. Nếu DN hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới bán lẻ thì điều tiết được giá.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới, nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ tăng, do đó nếu không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thì sẽ xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thủy sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, trên cơ sở an toàn sinh học, các DN, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn. Đối với các hộ gia đình, cũng phải phát triển đàn. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng. Về thương mại, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sẽ nghiên cứu văn bản để hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, kiên quyết không vì thiếu thịt lợn mà tăng đàn, tái đàn ồ ạt. Ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết sắp tới.