Không có chương trình phục hồi, kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu
Cập nhật lúc: 15/05/2022, 06:54
Cập nhật lúc: 15/05/2022, 06:54
Không có chương trình phục hồi, kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu
Đầu năm 2022, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đi kèm theo đó là gói hỗ trợ kỷ lục lên tới 350.000 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, thì việc Chính phủ đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ kinh tế hồi phục là cần thiết.
“Theo tính toán của Chính phủ, nếu không có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra là từ 6,5 - 7%/năm. Như vậy, nếu không có các chương trình này, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới là rất lớn”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, chương trình phục hồi kinh tế có tác động dài hạn đối với nền kinh tế. Ví dự như, chương trình hỗ trợ góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng suất lao động, sức cạnh tranh, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, Chương trình còn có tác động tích cực kép, đó là cơ hội nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp.
Ông Hiếu phân tích: Chương trình phục hồi hỗ trợ trực tiếp tập trung nhiều vào cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện nguồn vốn cho doanh nghiệp, bao gồm giải pháp cắt, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, cho vay ưu đãi…
Chương trình này cũng hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động và chủ thể khác là đối tượng hưởng lợi trực tiếp. Các tác động gián tiếp được tạo ra chính là cơ hội kinh doanh tốt hơn cho mọi doanh nghiệp.
“Ví dụ, cải cách thể chế sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh hơn, thuận lợi hơn”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Vẫn còn bất cập!
Trong chương trình phục hồi, Chính phủ đã chia nhỏ gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, thành các gói nhỏ hơn để tạo ra lực đẩy cho nền kinh tế. Trong đó, có thể kể đến gói 64.000 tỷ hỗ trợ giảm thuế, phí, lệ phí; 176.000 tỷ hỗ trợ đầu tư, phát triển; 6.600 tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; 135.000 tỷ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất;...
Trong các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi, có một số chương trình hồi phục Việt Nam thực hiện rất tốt, nhưng cũng có một số mục tiêu vẫn còn rất chậm.
Có một số chương trình hồi phục, Việt Nam thực hiện rất tốt, nhưng cũng có một số mục tiêu vẫn còn rất chậm.
Ông Hiếu nói: Các chương trình hồi phục đã làm rất tốt như giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô,…
Ở chiều ngược lại, một số chương trình hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa, như: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng…
“Do đó, việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp vừa là yêu cầu nhưng cũng đang là một thách thức. Sự khẩn trương, quyết liệt, tích cực của các cơ quan, tổ chức có liên quan là giải pháp duy nhất”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới.
Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.
Việc thực hiện Chương trình phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác, như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
“Mong rằng, tinh thần khẩn trương, quyết liệt, hành động sẽ chi phối hoạt động của Chính phủ và cả Quốc hội từ nay trở đi và trở thành việc bình thường. Như vậy sẽ làm gia tăng thêm tác động và hiệu quả của Chương trình cả trong ngắn hạn và dài hạn”, vị chuyên gia này nói thêm.
Nguồn: https://congluan.vn/khong-co-chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-viet-nam-co-nguy-co-tut-hau-post194600.html
06:29, 14/05/2022
06:30, 13/05/2022
07:10, 04/05/2022
06:45, 02/05/2022