19/01/2025 | 13:32 GMT+7, Hà Nội

Khoảng cách các mức phạt khá rộng sẽ tạo dư địa cho tham nhũng

Cập nhật lúc: 26/03/2019, 22:06

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo.

Cần nâng mức phạt vi phạm tem, nhãn

Về hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì giả (Điều 13, 14 Dự thảo), VCCI cho rằng, tem, nhãn, bao bì là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết đối với một sản phẩm. Từ phía người sử dụng, các yếu tố này có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với quyết định lựa chọn, phân biệt hàng giả với hàng thật.

Mặc dù tem, nhãn, bao bì có giá trị không lớn, chưa tác động trực tiếp đến sức khỏe hay môi trường của con người, nhưng lại là điều kiện tiên quyết dẫn đến hậu quả sau khi người tiêu dùng sử dụng những thứ được dán tem, nhãn hoặc chứa đựng bên trong bao bì. Người buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng khó có thể thu lợi nếu không có bao bì giống thật đến mức khó hoặc không phân biệt được với hàng thật. Vi vậy, VCCI cho rằng cần phải đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của các hành vi nêu trên, từ đó đưa ra mức xử phạt nặng hơn so với quy định tại Dự thảo.

Theo VCCI, Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu thay thế Nghị định 94/2012/NĐ-CP đã không còn bất kỳ quy định nào yêu cầu DN nhập khẩu rượu phải có văn bản chứng minh quyền phân phối của mình nữa. Thế nhưng, Dư thảo vẫn đang giữ quy định phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đòng đối với hành vi: “Nhập khẩu rượu mà không có Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó theo quy định”.

“Quy định này là không có căn cứ và không bảo đảm tính thống nhất của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này”, VCCI đề nghị. Đáng quan tâm, Dự thảo quy định hành vi “thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người mất năng lực hành vi dân sự” sẽ bị xử phạt.

Bộ luật Dân sự quy định, người mất năng lực hành vi dân sự là người bị “bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.

Như vậy, để xác định một người mất năng lực hành vi dân sự, cần phải có sự tham gia của tổ chức có chuyên môn thực hiện giám định, do đó với người bình thường, thông qua tiếp xúc, sẽ có nhiều trường hợp, không thể nhận biết được một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không. Vì vậy, việc họ thực hiện giao dịch với những đối tượng này không thể xem là có lỗi và bị xử phạt.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân, VCCI đề nghị chỉ xử phạt khi thương nhân đó biết hoặc buộc phải biết đối tượng đó là người mất năng lực hành vi dân sự.

khoang cach cac muc phat kha rong se tao du dia cho tham nhung
VCCI đề nghị nâng mức xử phạt với vi phạm về tem, nhãn hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Khoảng cách các mức phạt còn khá rộng!

Về hành vi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp, VCCI cho rằng, một số hành vi vi phạm trong Dự thảo chưa tương ứng với nhóm hành vi cùng khung xử phạt. Bên cạnh đó, hành vi không xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc không tuân thủ giá bán đã công bố có tính chất nghiêm trọng hơn so với các hành vi khác, nên cần xử phạt cao hơn (có thể là từ 30 đến 40 triệu đồng) để đảm bảo tính răn đe. Ngoài ra, một số khung xử phạt áp dụng cho các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm khác nhau chưa bảo đảm tính hợp lý.

 

Cùng với đó, khoảng cách mức xử phạt giữa mức trần và sàn của mức xử phạt còn khá rộng. Ví dụ, hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm tại các khoản 5, 6, 7 với các khung tương ứng là 30.000.000 đồng đến 50.000.000; 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng… Có nhiều hành vi vi phạm có mức trần gấp đôi mức sàn.

“Điều này có thể gây ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng bị xử phạt cho cùng hành vi trong khung và là dư địa cho tình trạng tham nhũng từ phía các cán bộ thực thi. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo và thu hẹp khoảng cách của các mức xử phạt trong khung xuống”, VCCI đề nghị.