22/11/2024 | 08:52 GMT+7, Hà Nội

Hiệp định CPTPP, cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Canada

Cập nhật lúc: 22/03/2019, 15:20

Thuế quan bị xóa bỏ sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Canada.

Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam bao gồm đông lạnh và chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu mặt hàng này vào Canada, chiếm gần 1/3 thị phần nhập khẩu của thị trường này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Canada trong năm 2018 đạt khoảng 240,6 triệu USD, tăng gần 8% so với năm trước đó và chiếm 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có xu hướng phục hồi trong giai đoạn 2017 – 2018 sau khi sụt giảm liên tục trong hai năm trước đó.

Khi Hiệp định CPTPP được thực thi, những con số này dự báo sẽ ấn tượng hơn nữa. Theo cam kết CPTPP, thuế xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ... từ Việt Nam vào Canada giảm từ khoảng 4 - 5% (thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc của WTO, hay thuế MFN) về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

hiep dinh cptpp co hoi cho hang hoa cua viet nam vao thi truong canada
Hình minh họa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đánh giá Canada là thị trường tiềm năng cho hàng dệt may của Việt Nam khi nhập khẩu khoảng 13,3 tỷ USD mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu được dự báo khoảng trên dưới 20% mỗi năm.

Hiện Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada, do đó CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam tăng tốc độ phát triển lĩnh vực dệt may tại thị trường này trong những năm tới. Theo cam kết của Canada, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có thuế 0% từ năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Canada đạt gần 667 triệu USD trong năm 2018, tăng 19,8% so với năm trước đó và chiếm 2,2% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đi các thị trường.

Khác với hàng dệt may, Việt Nam về cơ bản có khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ cho giày dép và túi xách nên có thể được hưởng thuế ưu đãi cao.

Đối với giày dép, Canada cam kết rằng 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang quốc gia này sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại.

Cụ thể, thuế sẽ giảm từ 16 - 18% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với hầu hết loại giày thể thao, giày mũ vải, và về 4 - 4,5% đối với giày mũ da. Riêng các loại dép và giày bảo hộ có lộ trình giảm thuế dài.

Thuế với túi xách cũng được cam kết giảm về 0%. Với thị phần khoảng 8% hiện có ở Canada, túi xách của Việt Nam được dự đoán có nhiều dư địa để xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là các mặt hàng như túi, ba lô du lịch cho các hoạt động ngoài trời mà Canada đang quan tâm.

Nguyễn My