22/11/2024 | 10:58 GMT+7, Hà Nội

CPTPP có hiệu lực: Ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn

Cập nhật lúc: 15/02/2019, 22:41

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức có hiệu lực. Nếu so sánh giữa cơ hội và khó khăn với ngành chăn nuôi, tỷ lệ vẫn nghiêng về khó khăn với khoảng 60%, yếu tố thuận lợi 40%.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương đã từng chia sẻ về việc ngành chăn nuôi gia nhập CPTPP sẽ đương đầu với nhiều rủi ro. Theo ông đánh giá, nếu so sánh giữa cơ hội và khó khăn với ngành chăn nuôi, tỷ lệ vẫn nghiêng về khó khăn với khoảng 60% (yếu tố thuận lợi chỉ 40%). Cụ thể, trong số các quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ gặp bất lợi về các sản phẩm thịt bò và sữa từ các nước có trình độ chăn nuôi vượt trội là Canada, Australia và New Zealand.

CPTPP có hiệu lực: Ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh 1

Ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn.

“Rủi ro” này được nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi chỉ mặt, đặt tên rất rõ ràng đó là năng suất lao động trong ngành chăn nuôi quá thấp.

Ông Nguyễn Xuân Dương nhìn nhận: "Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là số lượng nông dân tham gia vào ngành chăn nuôi của Việt Nam còn quá lớn, quy mô nhỏ với gần 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, 3 triệu hộ chăn nuôi lợn và khoảng 2 triệu hộ dân chăn nuôi trâu bò. Việc tổ chức, liên kết theo chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi hiện vẫn còn lỏng lẻo, khiến ngành chăn nuôi tiềm ẩn các yếu tố thiếu bền vững".

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra một con số so sánh: Trong khi trang trại chăn nuôi quy mô 1.000 con ở Mỹ chỉ có 1 - 2 lao động thì ở Việt Nam có tới trên 20 lao động. Ngoài ra, các yếu tố như dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... cũng là những thách thức không nhỏ với chăn nuôi Việt Nam.

"Điều dễ thấy là, sản phẩm chăn nuôi từ một số nước như Australia, Canada, Mexico, Malaysia sẽ nhập vào Việt Nam nhiều hơn khi thuế NK giảm xuống 0% theo lộ trình của CPTPP. Trong khi đó, các thị trường như Nhật Bản, Australia, New Zealand… lại có hàng rào kỹ thuật tương đối cao. Muốn tiếp cận, mở rộng thị trường XK, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cần vượt qua được các hàng rào kỹ thuật cũng như các biện pháp kiểm dịch vệ sinh, an toàn thực phẩm", ông Sơn nói.

TS. Ngô Thị Kim Cúc, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ (NN&PTNT) cho biết nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất chính từ quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên việc chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đạt hiệu quả không cao và khả năng nhân rộng thấp.

Cùng với đó là việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn về thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm. Hơn nữa, hiệu quả ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp giữa các vùng miền, giữa các đối tượng tiếp nhận khác nhau do sự khác biệt lớn về điều kiện tự nhiên, nguồn lực, về trình độ chuyên môn, về khả năng đầu tư và quy mô sản xuất.

TS. Ngô Thị Kim Cúc cho biết, Viện đã kết hợp có hiệu quả các mô hình Viện - Trường - Doanh nghiệp, trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để nghiên cứu tạo ra được những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng phải mất thời gian tương đối dài, đặc biệt là các nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi. Do vậy theo TS Cúc thì cần có những chính sách đồng bộ, thông thoáng hơn nữa nhằm phát huy tốt nhất điều kiện của các bên liên kết.

Chăn nuôi hiện nay vẫn đang chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp và liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, khoảng 4-6%/năm; giá trị ngành chăn nuôi khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 5-6% GDP của cả nước. Trung bình mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 5,4 triệu tấn thịt, 10 tỷ quả trứng, 9.000 tấn sữa…

Rủi ro lớn, nhưng sẽ là vội vàng nếu nói ngành Chăn nuôi sẽ thua ngay trên sân nhà trong CPTPP. Vì thực tế, để đáp ứng tiến trình hội nhập, toàn ngành đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, song hành việc gợi mở các cơ chế thúc đẩy đầu tư với tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)