25/11/2024 | 18:57 GMT+7, Hà Nội

CPTPP - Điểm sáng kinh tế thế giới

Cập nhật lúc: 06/02/2019, 15:00

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu nhìn chung không có nhiều gam màu sáng, việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ cuối tháng 12-2018 đã trở thành một điểm sáng của kinh tế thế giới trong năm.

TPP hồi sinh trong hình hài CPTPP

Sau khi Australia chính thức thông báo đã trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn CPTPP ngày 31-10 vừa qua, thỏa thuận thương mại tự do này bắt đầu có hiệu lực vào cuối tháng 12-2018. Đây là một diễn biến mang tính quyết định, chính thức "hồi sinh" một siêu thỏa thuận thương mại được coi là tham vọng nhất thế giới, song đã từng phải đối mặt với nguy cơ "chết yểu" sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào tháng 1-2017. Với việc có đủ 6 nước thành viên phê chuẩn, cánh cửa để CPTPP chính thức có hiệu lực đã mở rộng.

Để đạt được bước đột phá này, 11 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc đàm phán cam go sau sự rút lui của Mỹ. Trước đó, vào tháng 2-2016, TPP - "tiền thân" của CPTPP, đã hoàn tất khâu đàm phán. TPP khi đó bao gồm cả Mỹ, đã được chào đón nồng nhiệt, được ca ngợi như "bản lề cho một trật tự thương mại mới", đặt ra một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định thương mại tự do, dám đụng đến những vấn đề gai góc nhất mà các hiệp định từ trước tới nay chưa từng đề cập.

Tuy nhiên, những niềm hứng khởi dần bị bao trùm bởi bầu không khí lo lắng khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sau một chiến dịch tranh cử đầy ác cảm với TPP. Ngày 24-1-2017 đã trở thành một dấu mốc đen tối đối với TPP, khi ông Trump ký văn kiện rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.

Mặc dù vậy, với quyết tâm theo đuổi tới cùng thỏa thuận thương mại vào loại lớn nhất thế giới, 11 thành viên còn lại của TPP đã vượt qua cú sốc và khẩn trương tiến hành đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP còn lại đã ra tuyên bố chung, thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP.

Trải qua thêm một số cuộc đàm phán, văn kiện nội dung CPTPP đã được 11 nước ký kết thông qua vào tháng 3-2018, cùng với quy định hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi được 6 quốc gia (quá bán) thành viên phê chuẩn. Ngày 31-10, Australia đã trở thành quốc gia thứ 6 phê chuẩn CPTPP, chính thức "tham gia sân chơi lớn" cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore.

Sau khi chính thức có hiệu lực, một CPTPP không có Mỹ vẫn tạo ra được một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, với một thị trường có quy mô dân số lên tới 499 triệu người và Tổng giá trị sản phẩm nội khối (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Siêu thỏa thuận này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP sẽ mở ra các thị trường mới, đang phát triển và mang lại cơ hội tốt hơn để thúc đẩy đa dạng hóa thương mại. Hiệp định này cho phép các nhà xuất khẩu của 11 nước thành viên tiếp cận ưu đãi với 10 thị trường vành đai Thái Bình Dương.

Với một bộ quy tắc chung, CPTPP cho phép các doanh nghiệp tích lũy đầu vào từ bất kỳ quốc gia thành viên nào để sản xuất hoặc cùng với các doanh nghiệp của các nước thành viên khác bán sản phẩm tại bất kỳ đâu trong thị trường nội khối. CPTPP cũng cho phép xóa bỏ các hàng rào với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực, không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên, mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại của khu vực.

cptpp diem sang kinh te the gioi
CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho các nước thành viên.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế

Peterson, CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP nhờ CPTPP. Những lợi ích mà CPTPP mang lại tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ với các nền kinh tế khác trong khu vực. Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và mới đây nhất là Thái Lan đã cân nhắc khả năng gia nhập CPTPP. Nước Anh cũng đã nhiều lần thể hiện ý muốn tham gia hiệp định sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chính sự hấp dẫn đó cũng đang góp phần mở ra khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP. Dù vậy, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á, Tiến sĩ Deborah Elms, khẳng định ngay cả khi không có Mỹ, CPTPP vẫn là "hiệp định thương mại quan trọng nhất được ký kết trong 20 năm qua".

Việt Nam nằm trong số những nước lợi nhất

Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP vào chiều 12-11 vừa qua. Với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh "đây là quyết định quan trọng," khẳng định vai trò chủ động của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Trong khi đó, một nghiên cứu của Chính phủ Việt Nam cho thấy hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng 1,3%, trong khi xuất khẩu tăng 4% vào năm 2035. Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam khẳng định "đây không chỉ là thỏa thuận thương mại mà còn là bước tiến trong việc ban hành và thực thi luật pháp, dưới sự quản lý của Chính phủ và giám sát của xã hội".

Bước tiến trên đạt được trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2018 và 2019 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán lần lượt là 7,1% và 6,8%. Ngoài ra, những điều kiện lý tưởng như lực lượng lao động có học vấn và nền tảng tiêu dùng tốt, đi kèm với nỗ lực nhằm tăng cường sự hội nhập thông qua các hiệp định thương mại tự do và cải cách chính sách, đã giúp Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để trở thành một trung tâm kinh tế của Đông Nam Á.

Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất của khu vực nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam được cho là nằm trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nổi bật là CPTPP… Tất cả những hiệp định này đang mở ra cánh cửa của khoảng 50 nền kinh tế, mang đến những cơ hội mở cửa sâu, rộng hơn để các doanh nghiệp nước ta có thể tiếp cận những thị trường mới, thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng phát triển kinh tế đất nước.

Hồng Phúc