22/11/2024 | 12:58 GMT+7, Hà Nội

Tăng trưởng ngoại thương Việt Nam sẽ cao nhất CPTPP

Cập nhật lúc: 20/01/2019, 19:58

Ngày 19/1, Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTT) đã họp phiên đầu tiên với việc thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP. Cuộc họp diễn ra chỉ vài ngày sau khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1.

tang truong ngoai thuong viet nam se cao nhat cptpp
 

Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do, đặt ra các tiêu chuẩn cao và cân bằng cho hoạt động giao thương ở thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua 4 quyết định quan trọng, gồm Quyết định về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; Quyết định về quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các thành viên mới; Quyết định về quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; Quyết định về bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định quyết tâm của các nước thành viên đang làm hết sức để CPTPP đóng vai trò là ngọn cờ đầu cho tự do thương mại, trong bối cảnh các nước bị cuốn vào chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Abe cho biết cánh cửa đã mở đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ mong muốn gia nhập CPTPP - một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời kỳ vọng CPTPP sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia đang tìm kiếm thương mại tự do và công bằng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết các nước đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng nên quá trình triển khai các cam kết trong giai đoạn đầu tiên này rất tích cực, nghiêm túc và đầy đủ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng các nước thành viên CPTPP sẽ thực thi hiệp định một cách hiệu quả, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên đất nước của mình.

Theo Bộ trưởng, 3 thách thức chủ yếu đối với Việt Nam là sức ép trong việc thực thi; mức độ cạnh tranh, vốn sẽ gia tăng không chỉ ở lĩnh vực hàng hóa mà còn ở lĩnh vực dịch vụ; và cuối cùng là cách thức tận dụng hiệu quả các cơ hội mà CPTPP mang lại.

Cũng nhân dịp này, Giáo sư Koichi Ishikawa, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học châu Á đã bật mí một vài chia sẻ về triển vọng tăng trưởng cũng như tác động của hiệp định đối với các nền kinh tế thành viên CPTPP nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Ông Ishikawa cho biết, các chuyên gia Mỹ dự đoán đến năm 2030, ngoại thương của 11 nền kinh tế tham gia CPTPP sẽ tăng 11,5%, trong khi vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam được dự đoán cao nhất, ở mức 30,1% và đầu tư nước ngoài được dự đoán tăng 14,4%.

Ông Ishikawa bày tỏ tin tưởng chắc chắn về triển vọng tăng trưởng đầu tư và ngoại thương của các nước CPTPP, mặc dù việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, đã khiến triển vọng tỷ lệ tăng trưởng giảm bớt.

Liên quan vấn đề các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương đạt được giữa các nước tham gia CPTPP, ông Ishikawa nhận định rằng các FTA song phương này không thể là trở ngại của CPTPP.

Ông Ishikawa nêu ví dụ giữa Việt Nam và Nhật Bản có 3 FTA gồm FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Nhật Bản- ASEAN và CPTPP. Tuy vậy, các FTA này vốn có sự khác biệt về danh mục hàng hóa được tự do hóa, tỷ lệ tự do hóa, chương trình tự do hóa, quy tắc xuất xứ sản phẩm.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ khai thác FTA nào mang lại lợi ích nhất, phụ thuộc vào danh mục hàng hóa ngoại thương, hình thức ngoại thương hoặc chuỗi cung cấp của doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ thực hiện. Do vậy, các FTA được doanh nghiệp khai thác sẽ khác nhau.

tang truong ngoai thuong viet nam se cao nhat cptpp

Bàn về câu chuyện thuận lợi và vướng mắc của Việt Nam khi thực thi CPTPP, ông Ishikawa cho rằng những lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán tăng trưởng là dệt may, giày dép, các sản phẩm công nghiệp cần nhiều lao động, nông thủy sản, thực phẩm… CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đến những quốc gia không có FTA song phương với Việt Nam, như Canada, Mexico, Peru… Kể cả đối với những quốc gia ký FTA song phương với Việt Nam, CTPP giúp mở rộng tự do hóa thương mại, vì vậy sẽ tạo ra tăng trưởng xuất khẩu đến những quốc gia này.

Quân Vương