Khám phá bí quyết của những món ăn mà CNN cho rằng không thể bỏ lỡ khi tới Hà Nội
Cập nhật lúc: 01/03/2019, 12:00
Cập nhật lúc: 01/03/2019, 12:00
Chả cá Lã Vọng
Đó là chả cá Lã Vọng, có lẽ với người đã có dịp thưởng thức món chả cá Lã Vọng hẳn sẽ nhớ mãi hương vị của những miếng chả cá béo ngậy, thơm nức hòa quyện cùng mùi thơm của hành lá, rau húng láng, sự giòn bùi của lạc rang, dậy vị của mắm tôm…
Chả cá Lã Vọng - món ăn nức tiếng Hà thành |
Không chỉ thơm ngon, hấp dẫn, nổi tiếng cả trong và ngoài nước mà những món ăn này còn hội tụ nhiều nét đẹp truyền thống, đặc trưng của người Hà Nội.
Vì thế, thưởng thức món chả cá Lã Vọng sẽ mang cho ta cảm giác như đang tận hưởng những gì thanh tao mà đặc sắc nhất của một trong số những món ăn nức tiếng đất Hà Thành.
Vào thời kỳ Pháp thuộc, tại số nhà 14 phố Hàng Sơn (nay là phố Chả Cá) có một gia đình yêu nước họ Đoàn có tài làm món chả cá rất ngon sống tại đây.
Trong quán chả cá có bày một ông Lã Vọng – Khương Tử Nha đang ngồi bó gối câu cá. Khương Tử Nha là mội người tài giỏi nhưng đang chờ thời chờ thế để làm nghiệp lớn. Đó chính là lí do tại sao cái tên chả cá Lã Vọng được ra đời và tên quán ăn cũng trở thành tên món ăn được lưu danh muôn đời.
Loại cá được lựa chọn cho món ăn này phải là cá lăng tươi vì nó ít xương, thịt ngọt và thơm hơn các loại cá khác.
Trước đây gia đình họ Đoàn có sử dụng cá Anh Vũ ở ngã ba sông Bạch Hạc của thành phố Việt Trì, Phú Thọ để chế biến nhưng loại cá này theo mùa và vô cùng đắt, quý hiếm. Thay vào đó, những loại cá đại trà được thay thế như cá lăng, cá quả, cá quả sẽ được dùng làm chả cá.
Sau khi rửa sạch cá thì người đầu bếp sẽ dùng dao lạng hai bên sườn cá, thái từng thớ thịt cá mỏng vừa đủ rồi ướp với nhiều loại gia vị như: riềng, mè, nước mắm, nghệ, hạt tiêu, vv.
Sau khi cá được tẩm ướp ít nhất 2 giờ đồng hồ sẽ được kẹp vào que tre rồi nướng trên bếp than hồng rực. Cá phải được nướng vàng đều cả 2 mặt, không được quá xém hay cháy như vậy món cá sẽ mất ngon.
Khi chuẩn bị thưởng thức chả cá Lã Vọng, những kẹp cá được nướng chín vàng ươm sẽ được trút vào trong chảo mỡ đang sôi lép bép.
Những loại rau được ăn kèm gồm thìa là và hành hoa cắt khúc dài. Ăn món này phải ăn ngay khi còn nóng và ăn kèm bún rối, lạc rang bùi bùi, rau mùi, húng láng, thìa là, hành củ tươi chẻ nhỏ. Gom tất cả những thứ này trong đũa rồi chấm vào bát mắm tôm đã được pha với chanh sao cho sủi bọt tăm. Trong bát mắm tôm mà có thêm chút tinh dầu cà cuống và vài giọt rượu trắng thì càng tuyệt.
Bánh tôm Hồ Tây
Thêm một món ăn đặc trưng mà du khách nên thưởng thức khi đến thủ đô của Việt Nam, đó chính là món bánh tôm Hồ Tây.
Theo CNN, món bánh tôm bắt đầu phổ biến từ những năm 1930, thời điểm có nhiều người gánh hàng rong tụ tập dọc theo đường Thanh Niên, một con đường ngăn cách Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Đến khi khu vực này sầm uất hơn, các quầy bán bánh tôm nhỏ lẻ được tập hợp và mở ra một nhà hàng lớn dọc theo bờ sông. Bánh tôm Hồ Tây bắt đầu được chú ý từ đó.
Nguyên liệu làm món bánh tôm không quá cầu kỳ. Tôm nước ngọt bắt từ Hồ Tây, thêm với bột và trứng. Tôm nguyên con được nhúng vào bột có pha thêm trứng. Sau đó, bạn cho vào chảo rán ngập dầu cho đến khi chín vàng đều. Bánh tôm sau khi rán xong sẽ rất thơm, vàng đẹp và giòn rụm.
Bánh tôm thường ăn kèm với rau xà lách, rau thơm cùng một bát nước mắm chua ngọt. Tất nhiên cũng không thể thiếu một tí ớt cay cay, một chút dưa góp ngâm giấm giúp món ăn ngon hơn và vừa miệng hơn rất nhiều.
Bún cá Hà Nội
Món ăn tiếp theo CNN gợi ý là bún cá Hà Nội. Trong tiết trời se lạnh mưa phùn, không có gì ấm lòng hơn là xì xụp một bát bún nghi ngút khói, thơm lừng.
Hầu hết hàng bún cá nổi tiếng ở Hà Nội đều chế biến cá rán giòn ăn kèm các loại bún, bánh đa, miến. Miến cá đạt chuẩn khi ăn không bị cháy, cứng, bên trong lớp vỏ là miếng thịt mềm, thơm.
Nước dùng được nấu từ xương cá, xương ống. Nước trong, thanh nhưng vẫn ngọt chất, chứ không nhờ các loại gia vị phụ trợ. Vắt chút quất, thêm tương ớt và ít tỏi ngâm dấm, đảm bảo nhiều người ăn sạch cả bát bún đầy, húp hết nước.
Bún riêu
Với người sành ăn, bún riêu ngon hay không, quan trọng nhất là phần nước dùng. Nước dùng chuẩn vị Hà Nội phải có vị chua dịu của dấm bỗng cùng cà chua làm nổi lên vị ngọt nhẹ của cua đồng.
Cua được giã nhỏ rồi cho vào nước, lọc lại thật kĩ rồi mới gạn phần nước cua vào nồi, đun lửa liu riu cho đến khi riêu cua nổi lên thành từng mảng. Nhìn nồi nước dùng đỏ au màu cà chua, lấp lánh những tảng riêu cua vàng rực bốc khói, thật khó kiềm lòng được trước tiết trời se se, mưa phùn lập Xuân của Hà Nội.
Cà phê trứng
Một thức uống không thể bỏ qua tại Hà Nội cần nhắc tới đó là cà phê trứng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội trong những ngày này, 3.000 cốc cà phê trứng đã được nhân viên của Giảng cà phê phục vụ tại Trung tâm báo chí quốc tế của Hội nghị.
Theo lời ông Nguyễn Chí Hòa con trai út của cụ Nguyễn Văn Giảng kể lại, cụ Giảng trước đây làm bartender cho khách sạn 5 sao Sofitel Metropole Hanoi. Ngày ấy vì thiếu sữa tươi, cụ Giảng đã nghĩ ra cách dùng trứng để pha chế và từ đó cho ra đời cà phê trứng.
Loại đồ uống đặc biệt này nhanh chóng được ưa thích nên cụ Giảng quyết định nghỉ việc ở Sofitel vào năm 1946, tự tách ra xây dựng thương hiệu riêng. Từ đó, Giảng trở thành thương hiệu cà phê "có số má" ở đất kinh kỳ suốt hơn 70 năm qua, gắn liền với bộ tứ "Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng".
Cà phê trứng - món đồ uống nổi tiếng nhất của Giảng đã trở thành món cần-phải-thử với nhiều du khách trong nước và quốc tế khi ghé thăm Hà Nội.
Ông Hòa cho hay, nguyên liệu để làm cà phê trứng gồm trứng gà tươi, đường, sữa, cà phê và rất nhiều điều khác thuộc về bí quyết. Lòng đỏ trứng gà được đánh bông bằng tay cùng với sữa, đường cát, sau đó đổ cà phê đang đun sôi lên. Ly cà phê lập tức bồng bềnh trong một màu nâu thơm khó cưỡng.
Người ta đặt ly cà phê lên một chiếc tách khác có nước nóng, mục đích để giữ ấm cho thức uống. Trước hết, hãy hớt một chút bột kem ngọt ngào ở trên ly cà phê trước, sau đó chậm rãi thưởng thức phần cà phê phía dưới, độ ngọt, béo, ngậy, đắng trung hòa với nhau trong một cảm giác lâng lâng thú vị.
Mộc Miên
02:32, 01/03/2019
19:01, 28/02/2019
15:00, 28/02/2019