19/01/2025 | 16:18 GMT+7, Hà Nội

Khả năng chống chịu rủi ro thanh khoản của ngân hàng đến đâu?

Cập nhật lúc: 19/10/2022, 18:27

Các chuyên gia cho rằng, rủi ro lên thanh khoản hệ thống là không lớn. Bởi lẽ, thanh khoản đang được hỗ trợ từ nhiều nguyên nhân.

Vấn đề thanh khoản căng thẳng đã và đang là một vấn đề đáng quan tâm đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian gần đây. Nguyên nhân trước hết đến từ áp lực tỷ giá khi USD liên tục tăng giá và phá đỉnh 20 năm do FED tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất là đến năm sau. 

Ngân hàng Nhà nước đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá, trong bối cảnh công cụ dự trữ ngoại hối đã không còn quá dồi dào.

Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống lại tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị điều tra. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong 2 tuần đầu tháng 10 đã có thời điểm chạm mức gần 8%/năm, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, rủi ro lên thanh khoản hệ thống là không lớn. Bởi lẽ, thanh khoản đang được hỗ trợ từ nhiều nguyên nhân. 

Một là, những nỗ lực chống “Đô la hóa” nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian đã mang lại hiệu quả đáng kể. Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng được củng cố cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản hệ thống được bù đắp.

Hai là, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Hiện gần 20 ngân hàng thương mại, chiếm đa số trong hệ thống đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Bên cạnh đó tỷ lệ vốn ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống 34% vào ngày 1/10/2022; và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 30% từ ngày 1/10/2023.

Cuối cùng, quản trị rủi ro thanh khoản là một trong những trụ cột chính của Basel III. Hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các ngân hàng thương mại triển khai Basel III. Tuy nhiên, đã có một số ngân hàng tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn để củng cố thêm chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản. Đơn cử như TPB, VCB, HDB, VIB, OCB.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng chống chịu áp lực rủi ro thanh khoản của từng ngân hàng tại thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu dựa trên một vài tiêu chí về thanh khoản “L - liquidity” trong mô hình CAMELS cho rằng, khi áp lực thanh toán ngắn hạn gia tăng đột biến, rủi ro thanh khoản sẽ được giảm thiểu ở một ngân hàng nếu như ngân hàng đó có các yếu tố sau:

Thứ nhất, tỷ lệ Tài sản thanh khoản/Huy động khách hàng (Liquid asset/Customer deposits) càng cao có nghĩa rằng ngân hàng đó sẽ có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, đủ đáp ứng nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

Thứ hai, tỷ lệ Cho vay/Huy động (Gross LDR), đây là tỷ lệ đo lường mức độ dồi dào của thanh khoản, nếu tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đã tối ưu nguồn huy động vốn của mình. Vì vậy, chỉ số này càng thấp càng tốt.

Thứ ba, tỷ lệ Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản (Liquid asset/Total asset) càng cao cho phép ngân hàng đó nhanh chóng đáp ứng đủ nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

Thứ tư, tỷ lệ Cho vay ngắn hạn/Dư nợ cho vay (Short-term loans/Net loans) càng cao càng tốt.

Thứ năm, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/Tổng huy động khách hàng (CASA - Demand deposit/ Customer deposit) càng cao thì ngân hàng đó ít chịu áp lực huy động vốn dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Thứ sáu, tỷ lệ huy động tiền gửi từ tổ chức/ Tổng huy động khách hàng (Non-individuals/ Customer deposit) càng cao thì nguồn vốn huy động của ngân hàng càng ổn định. Vì vậy tỷ lệ này càng cao thì khả năng đáp ứng thanh toán của ngân hàng càng tốt.

Nếu như sở hữu các đặc điểm trên, ngân hàng sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu tiền mặt đột biến của khách hàng do vốn huy động đã được tối ưu hóa và không chỉ để phục vụ chủ yếu cho mục đích vay trung và dài hạn.

Báo cáo của VNDirect nhấn mạnh, để giảm bớt ảnh hưởng của yếu tố thời điểm, nhóm phân tích lấy trung bình số liệu của các ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2021 và cuối 30/6/2022. Đánh giá chỉ dựa trên xếp hạng thứ tự của 17 ngân hàng theo từng tiêu chí. Lưu ý rằng, các mức xếp hạng thấp không có nghĩa là ngân hàng đó có rủi ro về thanh khoản./.

Nguồn: https://reatimes.vn/kha-nang-chong-chiu-rui-ro-thanh-khoan-cua-ngan-hang-den-dau-20201224000015248.html