22/11/2024 | 10:27 GMT+7, Hà Nội

Kế hoạch trả nợ không rõ ràng gây hậu quả khôn lường

Cập nhật lúc: 10/03/2020, 17:30

Chi tiêu không hợp lý, quá khả năng thanh toán, chi tiêu bằng cách vay mượn với kế hoạch trả nợ không rõ ràng mang nhiều rủi ro và gây hậu quả khôn lường.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh – giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân - đã nói như vậy khi trao đổi về vấn đề giới trẻ vay tiêu dùng.

*Thưa chuyên gia, hiện nay giới trẻ có nhiều điều kiện để làm thêm gia tăng thu nhập, điều đó khiến họ lạc quan hơn về tài chính cá nhân, sẵn sàng chi tiêu trong điều kiện chưa đủ khả năng chi trả ngay lập tức. Quan điểm của bà về sự thay đổi thói quen này như thế nào?

- PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Kết quả nghiên cứu mới đây của Nielsen cho thấy tỉ lệ người dân để dành tiền tiết kiệm chỉ còn 63%, giảm nhiều so với những năm trước và xếp sau nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Indonesia.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh – giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân

Khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng là giới trẻ hiện chiếm hơn 34%, trong độ tuổi từ 21 - 34 tuổi. Đây cũng là nhóm có mức thu nhập vừa đủ để chi tiêu tùy ý theo cách riêng của họ. Khoảng 76% trong số này là những người có tư tưởng lạc quan, luôn có xu hướng mua sắm để nâng cấp cuộc sống, chi tiêu của họ tập trung vào du lịch, mua sắm quần áo, sản phẩm công nghệ, dịch vụ giải trí...

Phải nhìn nhận rằng việc thay đổi này có cả những khía cạnh tích cực và hạn chế. Về tích cực, khi xã hội phát triển, gia tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy cải thiện và nâng chất lượng cuộc sống, từ đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, chi tiêu không hợp lý, không có kế hoạch, quá khả năng thanh toán, đặc biệt khi chi tiêu không bằng tiền của mình. Chi tiêu bằng cách vay mượn với kế hoạch trả nợ không rõ ràng sẽ mang lại nhiều rủi ro và gây hậu quả khôn lường.

*Thực tế của thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua, nhiều trường hợp bạn trẻ nói riêng, người đi vay nói chung thiếu trách nhiệm trong việc trả nợ, có hành vi tiêu cực như chây ì, trốn nợ, vứt bỏ sim điện thoại hoặc trốn khỏi nơi cư trú. Theo chuyên gia, nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này?

- PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Xã hội cũng đã xuất hiện một số trường hợp người đi vay thiếu trách nhiệm trong việc vay mượn, chứ không chỉ dừng ở việc thiếu trách nhiệm trong việc trả nợ.

Theo tôi, một phần nguyên nhân là do hiểu biết về tài chính của người dân còn hạn chế, rất nhiều bạn trẻ không có kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân, dẫn đến việc xây dựng và thực thi kế hoạch chi tiêu từ ngắn hạn cho đến trung dài hạn không có, khiến việc vay mượn ngẫu hứng, vay mượn mà không có kế hoạch trả nợ, không tính đến trường hợp xấu nhất là vỡ nợ sẽ ra sao…

Điều này dẫn đến hệ quả là chây ì, trốn nợ, vứt bỏ sim điện thoại, trốn khỏi nơi cư trú, thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ, gây khó khăn cho các công ty tài chính.

*Chuyên gia có lời khuyên nào giúp khách hàng, nhất là các bạn trẻ trang bị tốt hơn kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để có trách nhiệm với khoản vay, đảm bảo việc vay vốn tiêu dùng hiệu quả?

- PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Việt Nam là nước có dân số trẻ, đồng thời là quốc gia có người dân sử dụng smartphone thuộc top lớn nhất thế giới. Hiện nay khi cần tìm hiểu bất kỳ thông tin gì chỉ cần gõ từ khóa trên các công cụ tìm kiếm sẽ cho hàng triệu đáp án và gợi ý. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho những bạn trẻ tìm tòi và học hỏi các kiến thức nói chung và kiến thức về tài chính nói riêng. Bên cạnh đó, rất nhiều các app giúp quản lý tài chính cá nhân vô cùng đơn giản, dễ dùng và miễn phí như Money Lover, Misa, HomeBudget… Hãy tận dụng tất cả những thành tựu và cơ hội mà công nghệ đã mang lại để trở thành người sử dụng tài chính có hiểu biết.

*Còn ở góc độ quản lý nhà nước, theo chuyên gia, cần phải làm gì để tài chính tiêu dùng phát huy vai trò nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và từng bước đẩy lùi tín dụng đen?

- PGS.TS Đỗ Hoài Linh: Thị trường cho vay tiêu dùng trong vài năm trở lại đây cho thấy bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu, các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động.

Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã liên tục lắng nghe và có những điều chỉnh quy định pháp luật đến phương thức quản lý để hoạt động của các CTTC dần đi vào quỹ đạo, hướng tới quản trị rủi ro, chuyển từ mở rộng hoạt động sang hoạt động có chất lượng, mang lại những giá trị ngày càng thiết thực và bền vững hơn.

Không thể phủ nhận hiệu quả và vai trò của công ty tài chính mang lại cho xã hội. Khi thị trường có nhiều nhà cung cấp thì người tiêu dùng nói chung và các bạn trẻ nói riêng sẽ càng có lợi, vì các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh tổng thể từ giảm lãi suất, tăng chất lượng sản phẩm, các dịch vụ đi kèm…để chiếm được thị phần.

Cho vay tiêu dùng của CTTC được đánh giá là "hội tụ" nhiều ưu điểm như cho vay không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo được tính an toàn cho người vay và được nhiều ý kiến cho rằng có thể thay thế tín dụng đen. Theo tôi, kiến nghị này cũng có cơ sở.