18/01/2025 | 20:07 GMT+7, Hà Nội

Hướng đi nào cho thị trường nội địa sau đại dịch Covid-19?

Cập nhật lúc: 05/06/2020, 07:20

Thị trường trong nước là nền tảng rất quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội sau dịch bệnh Covid-19, vậy chúng ta phải làm gì để phát triển thị trường này một cách nhanh và bền vững?

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng, các địa phương rất coi trọng vai trò của thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần "ăn sâu bén rễ" vào thị trường quan trọng này để phát triển. Nếu chúng ta để mất thị trường nội địa, mất hệ thống phân phối, đồng thời mất cả sự liên kết giữa sản xuất và phân phối thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong lúc xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại, một khi khi dịch bệnh Covid-19 ở các nước vẫn chưa được khắc phục.

Câu hỏi đặt ra “vậy chúng ta phải làm gì để phát triển thị trường nội địa một cách nhanh và bền vững, hiệu quả?”.

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội với nội dung như sau:

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội 

PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường nội địa nói riêng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất và kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn ở hầu hết các lĩnh vực. Một số mặt hàng bị ứ đọng tồn kho dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất bị thua lỗ hoặc giảm sút lợi nhuận… Tình hình trên dẫn tới hệ quả công ăn việc làm, đời sống và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.

Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Riêng lĩnh vực thương mại nội địa, nhiều cửa hàng, cửa hiệu phải đóng cửa hoặc hoạt động một phần trong thời gian dài hoặc phá sản. Nhiều siêu thị và trung tâm thương mại chịu tác động mạnh bởi doanh số sụt giảm mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm 2020 đã giảm 4,27% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 9,6%) - mức suy giảm doanh thu chưa từng có trong nhiều năm nay ở thị trường nội địa. Những tác động không mong muốn xảy ra với ngành bán lẻ chủ yếu là do yếu tố khách quan, dịch bệnh đã khiến cho tần suất, cơ cấu tiêu dùng, giá trị, phương thức mua sắm của từng gia đình, cá nhân có nhiều thay đổi nhanh chóng, sang một thái cực mới để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Theo thống kê, trừ một số nhóm hàng như lương thực thực phẩm thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng nhanh, thiết bị phòng dịch, y tế tăng trưởng, còn lại các nhóm ngành hàng khác đều bị suy giảm mạnh.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19

PV: Đứng trước cuộc suy thoái của nền kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ đã có những hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm kích cầu sản xuất và kinh doanh, vậy ông có ý kiến như thế nào về điều này? Theo ông, thị trường nội địa có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2020?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Đứng trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và sức mua xã hội bị suy giảm nên cuối tháng 4/2020, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất sau dịch và kích cầu tiêu dùng bao gồm: Giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay ngân hàng, trợ cấp bằng tiền cho các đối tượng bị tổn thương khi có dịch...

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thì những chính sách ban hành vừa qua là một sự cố gắng của Nhà nước, sự hỗ trợ đó chắc chắn trong thời gian tới sẽ có những tác dụng nhất định nhằm tái sản xuất, đồng thời cũng chính là góp phần tăng kích cầu cho nền kinh tế.

Trong cuộc họp trực tuyến của Chính phủ ngày 09/05/2020 với các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp, ngay sau khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch, người đứng đầu Chính phủ đã rất chú ý lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn của người dân và các doanh nghiệp, đồng thời quan tâm đến các sáng kiến đề xuất góp phần tháo gỡ những khó khăn cùng với Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm vụ của các doanh nghiệp: “Các doanh nghiệp phải giữ được lao động, giữ được thị trường và phát triển thị trường, giữ được danh dự và bản lĩnh doanh nghiệp Việt Nam”.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng phát biểu: “Thị trường trong nước là nền tảng rất quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020”.

Cần phải tiếp tục thực hiện phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau. Không chỉ có vậy “hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam”. Muốn vươn ra thị trường thế giới thì trước hết phải làm tốt thị trường nội địa.

Thị trường trong nước là nền tảng rất quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020

PV: Các bộ ban ngành và doanh nghiệp cần làm gì để phát triển thị trường nội địa một cách nhanh, bền vững và hiệu quả nhất?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Trước hết là vai trò của các bộ ngành và các địa phương, người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ: “Nhiệm vụ của các Bộ ngành và các địa phương là phải quan tâm xử lý, tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp, hợp tác giúp đỡ các doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ với doanh nghiệp, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giá trị đồng tiền Việt Nam”.

Chúng ta phải tiếp tục thực hiện việc cải cách hành chính, dỡ bỏ những thủ tục phiền hà, làm tốn công sức, thời gian, cơ hội kinh doanh và làm phát sinh những chi phí vô lý, suy giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khắc phục những vấn đề trên sẽ tạo ra môi trường thông thoáng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Thứ nhất, đối với thương mại nội địa, cần đề xuất những chính sách hợp lý khoa học để phát triển hạ tầng thương mại bao gồm mạng lưới phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra còn phải chú ý phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển, tổ chức các kho dự trữ, hệ thống logistics và các trung tâm thu mua và giao dịch hàng hóa vùng... Không được “ngăn sông cấm chợ” để hàng hóa đi nhanh từ sản xuất đến tiêu thụ bán lẻ, bớt trung gian, thiết lập nhanh các chuỗi liên kết sản xuất phân phối ở các vùng miền trong cả nước.

Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc giải quyết sức tăng trưởng vững chắc và phát triển hiệu quả của thị trường nội địa, nhưng rất tiếc trong nhiều năm nay, vấn đề này Việt Nam vẫn chưa khắc phục được một cách cơ bản. Câu chuyện về một sản phẩm hàng hóa được vận chuyển từ Ecuador về Việt Nam lại tốn ít chi phí hơn so với vận chuyển hàng từ miền Nam ra miền Bắc. Nó là một ví dụ minh chứng cụ thể cho những khó khăn trên con đường của hàng hóa của nước ta đi từ sản xuất tới nơi tiêu thụ.

Thứ hai, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bình đẳng lành mạnh, công khai minh bạch ở trên thị trường nội địa, chống ép giá, ép cấp đối với doanh nghiệp và người sản xuất trong quan hệ mua bán, làm cho họ luôn luôn bị thua thiệt, khâu trung gian xuất khẩu bán lẻ có lúc hưởng lợi nhuận quá mức. Kiên quyết chống độc quyền trong kinh doanh, găm hàng, đầu cơ, chuyển giá, trốn lậu thuế, phải biết chia sẻ với các bạn hàng, nhất là trong những lúc khó khăn như hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm “Lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất và phân phối phải được phân bổ hợp lý”. Về giá cả, hàng hóa hình thành trên thị trường nội địa là theo quy luật cung cầu và theo thị trường nhưng phải có cơ quan giám sát đánh giá chứ không để thị trường tự do sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Ví dụ điển hình là câu chuyện về giá thịt lợn hơi bán ra với mức giá trên trời đã gây dư luận không tốt cho xã hội tiêu dùng và trăn trở về quản lý giá của các nhà lãnh đạo, các chuyên gia.

Thứ 3, nhà nước cần có chính sách rõ ràng và có cơ sở pháp lý để bảo vệ thị trường trong nước và việc tiêu thụ hàng hóa trong nước. Đồng chí thường trực ban Bí thư đã tỏ rõ quan điểm trong Hội nghị đánh giá phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019: “Chúng ta phải bảo vệ bằng được thị trường trong nước, làm tốt việc tiêu thụ hàng hóa Việt, người nước ngoài vào đây kinh doanh phải có điều kiện”.

Đó là cơ sở và là định hướng lớn để chúng ta vững bước phát triển thị trường nội địa. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được nhiệm vụ của mình trong giai đoạn hiện nay là cùng cạnh tranh và hợp tác phát triển với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường một cách bình đẳng, công bằng và minh bạch.

Thứ 4, Nhà nước cần chú trọng chỉ đạo công tác kiểm soát thị trường một cách công khai, minh bạch và công bằng, không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Cần làm trong sạch đội ngũ kiểm soát thị trường để tăng hiệu quả trong công việc và nghiêm minh trong kiểm soát, hỗ trợ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển, xử lý nghiêm những vi phạm của các tổ chức cá nhân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Làm được những điều này thì mới mong thị trường nội địa phục hồi trong năm nay.

Xin chân thành cám ơn ông!