19/01/2025 | 02:22 GMT+7, Hà Nội

Thị trường lao động hậu Covid-19: Nhu cầu tăng, cạnh tranh khốc liệt

Cập nhật lúc: 16/05/2020, 16:41

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các đơn vị, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực.

Doanh nghiệp chủ động kết nối tuyển dụng lao động qua hệ thống thông tin

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020. Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2020 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm từ 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Tại Hà Nội, đã có gần 80% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, khoảng 20% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sau khoảng thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay, thị trường lao động đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. 

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, mặc dù các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố chưa tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, nhưng đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19.

Còn theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, từ tháng 5-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, thị trường việc làm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong tương lai gần.

Theo các chuyên gia lao động, sau khi dịch qua đi sẽ là lúc các doanh nghiệp tìm cách phục hồi mạnh mẽ và tuyển dụng với số lượng lớn, những lao động tay nghề cao sẽ có nhiều lựa chọn công việc có thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế phục hồi phải có thời gian nên xu hướng cầu lao động sẽ tăng nhưng không phải cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, mỗi người lao động phải nỗ lực cao hơn, dù là lao động cũ nhưng phải đáp ứng được yêu cầu mới của sản xuất.