19/01/2025 | 01:28 GMT+7, Hà Nội

Học sinh tiểu học có thể được học... vượt lớp

Cập nhật lúc: 16/05/2020, 15:01

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh tiểu học có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Chuyên gia nhận định, dù cần điều chỉnh cho phù hợp, song đây là quy định để tránh lãng phí tài năng trẻ.

Học sinh tiểu học có thể được học vượt lớp nếu có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ. Ảnh minh họa: Q.Anh

Công khai lấy ý kiến từ dư luận

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang đưa lên mạng lấy ý kiến dư luận về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học. Dự thảo Thông tư Điều lệ Trường tiểu học mới gồm: 7 chương, 47 điều, đã cập nhật hệ thống văn bản mới làm căn cứ pháp lý, như: Luật Giáo dục 2019, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ... Theo đó, nhiều nội dung trong Điều lệ hiện hành được quy định bởi các văn bản liên quan, đã được điều chỉnh và quy chiếu.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, so với Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, dự thảo có nhiều điểm kế thừa và bổ sung mới. Trong đó, đối với học sinh, tiếp tục cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét quyết định.

Một điểm đang chú ý nữa đo là về "Nhiệm vụ của học sinh", dự thảo quy định, người học phải: Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè. Dự thảo có bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải "biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên". Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ: vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, lý do của việc xây dựng Dự thảo Thông tư Điều lệ Trường tiểu học bởi sau 10 năm tồn tại, Thông tư số 41 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với các văn bản pháp quy pháp luật hiện nay, không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Có tạo thành phong trào "chạy" vượt lớp?

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm đến quy định cho phép học sinh được học vượt lớp. Mặc dù, theo Điều lệ Trường tiểu học hiện hành (ban hành từ năm 2010) đã có quy định về việc cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều địa phương, tiêu biểu là Hà Nội - nơi có số lượng học sinh lớn, được phụ huynh quan tâm, bồi dưỡng… Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đến nay chưa ghi nhận trường hợp học sinh được học vượt lớp, mặc dù quy định này được đánh giá là rất phù hợp.

Là người công tác trong ngành giáo dục, cũng như tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều nền giáo dục tiên tiến, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để phát huy mọi năng lực của người học, cần đánh giá năng lực của học sinh để đưa ra các khuyến khích, trong đó có học vượt cấp. Trên thực tế, ở Việt Nam rất ít trường hợp học vượt lớp, vượt cấp học, trong khi đó ở một số quốc gia giáo dục tiên tiến, thậm chí không chỉ học vượt lớp ở một cấp học mà có những cậu bé còn nhỏ cũng đã được vượt cấp học bậc đại học và tốt nghiệp. Ngay bản thân tôi, trước đây cũng đã từng giao bài tập cho học sinh tiểu học làm được Toán lớp 7, lớp 8 và về sau có một số em là học sinh giỏi và thành công.

Do đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong ủng hộ việc cần có những quy định cụ thể để khuyến khích những học sinh có khả năng thực sự không chỉ ở cấp tiểu học. Theo ông, nếu định ra một khung về độ tuổi, chương trình tương ứng sẽ làm kìm hãm phát triển những tài năng có tố chất sớm, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, có không cho học vượt cấp thì những tài năng đó cũng tự học chương trình cao hơn, nhất là học trên mạng Internet. Thay vì "đóng khung" độ tuổi, cấp học, phải có quy định cụ thể về những trường hợp đặc biệt. Không chỉ đào tạo, mà việc phát hiện tài năng cũng rất quan trọng.

Góp ý cho Dự thảo của Bộ GD&ĐT, PGS.TSKH Phạm Tất Dong cho biết: "Sự phát triển của học sinh phụ thuộc vào người giáo viên dạy học, do đó trước tiên phải là người giáo viên có nhận biết, đánh giá học sinh để đề xuất cho học sinh được học vượt lớp, vượt cấp để không "phí" tài năng. Trên cơ sở đó, mới có các đánh giá khách quan, trung thực từ nhà trường và các giáo viên liên quan. Chứ đôi khi phụ huynh cũng khó nhận biết được tố chất của con mình, việc đề nghị nên xuất phát từ giáo viên. Công tác xét chọn học sinh học vượt lớp cũng cần chính xác, chứ xét học sinh mà không đúng thì mất uy tín nhà trường".

"Chúng ta cũng không nên lo ngại sẽ có quá nhiều học sinh học vượt lớp, vượt cấp, bởi số lượng này sẽ là rất ít, cơ sở vật chất dạy học còn chưa đầy đủ, chương trình hiện nay đang nặng kiến thức, nhàm chán nên khó kích thích sự ham học của học sinh. Phụ huynh có muốn cũng khó, vì chỉ những em đặc biệt. Một người học nhiều trường đại học cũng không thể cấm được, người già muốn học thêm đại học, tiến sỹ cũng không thể ngăn được và phải cởi mở chuyện đó. Cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tài năng trẻ được phát hiện, bồi dưỡng"

(GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương hội Khuyến học Việt Nam)