29/03/2024 | 06:51 GMT+7, Hà Nội

Hoạt động xuất khẩu gặp khó do chi phí logistics tăng cao

Cập nhật lúc: 22/05/2021, 11:00

Hiện nay, chi phí logistics tăng cao đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ở một diễn biến khác, doanh nghiệp logistics lại có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu “gồng mình” vì áp lực phí logistics tăng

Thực tế, doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa từ cuối năm 2020. Đến đầu năm 2021, tình hình thiếu container đã hạ nhiệt dù mức phí vẫn tăng lên gấp 3 - 4 lần. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bất an bởi mọi chi phí từ giá thành đầu vào, logistics, thuê container đóng hàng xuất khẩu đều ở mức cao ngất ngưởng.

Chi phí logistics tăng cao khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó.
Chi phí logistics tăng cao khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chi phí logistics tăng từ năm 2020 đang tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp thủy sản khi hiện nay tất cả các chi phí đầu vào, đầu ra đều tăng.

Theo VASEP, trước đây cước phí vận chuyển là 2.000 USD/container nhưng nay đã tăng lên 9.000 - 10.000 USD/container, gây thiệt hại nặng nề cho nhà cung ứng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đại diện Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đối với các sản phẩm sản xuất từ tre công nghiệp xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ… chi phí logistics cho đơn hàng sang Pháp tăng gấp 3 lần so với trước đó. Tương tự, chi phí logistics đơn hàng sang Mỹ, Canada… cũng tăng vọt khiến nhiều đơn hàng bị cản trở, dòng tiền chậm lại, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Theo ông Đinh Hữu Thạnh, tác động với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tùy thuộc từng ngành. Với hàng điện tử, chi phí logistics vào khoảng 6 - 7%, còn hàng dệt may lên tới 15 - 20%, hàng công nghiệp hơn 20%. Với giá trị lớn, trong rất nhiều trường hợp, các hãng điện tử sẵn sàng trả giá cao để được ưu tiên đi hàng trước nên nhiều ngành sản xuất, nhất là hàng cồng kềnh, giá trị thấp thường khó mua cước, gây ảnh hưởng tiến độ xuất và giao hàng.

Còn với doanh nghiệp gỗ, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành Công ty CP XNK Hàng Việt cho biết, hiện nay chi phí logistics đang chiếm từ 3 - 5% giá thành sản phẩm của gỗ xuất khẩu. Nếu thêm các khoản phí khác sẽ là gánh nặng lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo đại diện Công ty CP Vicostone, giờ hàng nặng, nhẹ đều gặp khó như nhau: Thiếu container, thời gian vận chuyển dài, giá tăng. Do Vicostone bán hàng theo phương thức FOB nên khách hàng chịu tất chi phí. Mặt khác, hàng đến cảng của khách quá lâu có thể ảnh hưởng tiến độ giao hàng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ nhựa chia sẻ, nhu cầu gạch nhựa SPC tại Mỹ rất lớn nhưng doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều của việc chi phí logistics tăng cao, hàng hóa nhiều khi không xuất được. Doanh nghiệp đã phải từ chối đơn hàng vì lo không thuê được tàu, khách của doanh nghiệp cũng không mua được cước. Do phần lớn hàng hóa của Việt Nam XK theo dạng FOB, nhưng nếu khách hàng khó khăn quá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chia sẻ chi phí với khách hàng.

Theo ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, thông tin giá cước vận tải tăng đang là bài toán nan giải của hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không chịu nổi áp lực đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp logistics kinh doanh khởi sắc trong quý I/2021

Trong khi doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang ‘gồng mình’ chịu phí thì các doanh nghiệp logistics đang dần lấy lại phong độ trong quý đầu năm 2021 nhờ loạt yếu tố tác động tích cực như các hiệp định thương mại, dịch bệnh được kiểm soát tốt và sản lượng tăng.

Doanh thu

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (MVN) ghi nhận doanh thu quý I/2021 đạt 2.630 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 431 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ. Những quý liền kề trước đó, Vinalines đều báo lỗ hàng trăm tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 kéo dài.

Công ty CP Cảng Sài Gòn (SGP) cũng có một kỳ kinh doanh đầu năm hồi phục so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 95,7 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với quý I/2020. Trong kỳ, doanh thu hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng 73,3 tỷ đồng, giá vốn hàng bán tăng thấp hơn dẫn đến lợi nhuận gộp tăng mạnh.

Hay như Transimex (TMS) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh trong quý đầu năm 2021, đạt 1,085 tỷ đồng và 99 tỷ đồng.

Tương tự, Đại lý Vận tải SAFI (SFI) với lãi ròng đạt gần 20 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ) do không trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính và doanh thu tăng nhờ giá cước vận chuyển quốc tế và số lượng lô hàng tăng.

Hay tại Công ty CP Cảng Đồng Nai (PND) quý I/2021 ghi nhận doanh thu thuần bán hàng cung cấp dịch vụ 216 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, tăng 23%.

Nhờ lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và lợi nhuận khác tăng, Gemadept (GMD) cũng báo lãi ròng tăng 29%, đạt hơn 147 tỷ đồng trong quý I. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng chiếm 85% tổng doanh thu của GMD, còn lại đến từ hoạt động logistics và cho thuê văn phòng.

Nguồn: https://congluan.vn/hoat-dong-xuat-khau-gap-kho-do-chi-phi-logistics-tang-cao-post134678.html