19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

Bộ Công thương: Việt Nam cần số hóa dịch vụ logistics

Cập nhật lúc: 27/09/2020, 10:00

Yêu cầu lớn nhất về khoa học công nghệ trong ngành dịch vụ logisitics nước ta hiện nay là tăng cường số hóa và tự động hóa trong các hoạt động logistics, nhằm nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi phí hoạt động.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, giai đoạn đầu khi Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp bị đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc. Đặc biệt đối với những ngành sản xuất có tính gia công cao, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài như dệt may, da giầy.

Logistics được coi là ngành xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ cũng đứng trước tình trạng đứt cung, gãy cầu. Các doanh nghiệp trong ngành logistics buộc phải nghĩ đến và tìm kiếm những cơ hội trong nền tảng kinh tế số. 

Bộ Công thương Việt Nam cần số hóa dịch vụ logistics

Trong bối cảnh này, dịch Covid-19 có thể coi như phương tiện truyền thông đối với tất cả mọi người để thay đổi nhận thức về số hóa, về những ứng dụng các giải pháp công nghệ trong đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, điều này thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

Theo đó, những khó khăn doanh nghiệp logistics gặp phải sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phải nghĩ đến việc kết nối lại với nhau để chia sẻ thông tin, liên thông quy trình nghiệp vụ, làm giảm thiểu chi phí vận hành logistics, trong khi trước đây điều này có thể rất khó.

Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, logistics trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và cuộc cách mạng số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.

Trong đó, yêu cầu lớn nhất về khoa học công nghệ trong ngành dịch vụ logisitics nước ta hiện nay là tăng cường số hóa và tự động hóa trong các hoạt động logistics, nhằm nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi phí hoạt động.

Song song với việc tích cực chuyển đổi số là việc chủ động tham gia Cổng dịch vụ công quốc gia. Chính vì vậy, sẽ không có một mô hình cứng nào về số hóa áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nhân cũng sẽ phải lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp mình, chọn ưu tiên mô hình tái cấu trúc, cải thiện quy trình điều hành nội tại doanh nghiệp hay ưu tiên mô hình tìm kiếm doanh thu bên ngoài hơn.