Chuyển đổi số để tạo đột phá, giảm chi phí logistics
Cập nhật lúc: 27/11/2020, 10:50
Cập nhật lúc: 27/11/2020, 10:50
Ngày 26/11, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), trong quý I/2020, 15 - 50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp.
Khoảng 80% Hội viên VLA là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics có được phục hồi theo nền kinh tế nhưng hiện nay nhìn chung khoảng 20% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động.
Nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở sâu rộng, phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư FDI với hơn 70% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu là thuộc khu vực này. Ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng chịu tác động của khoảng hơn 30 DN cung cấp logistics xuyên quốc gia có quan hệ mật thiết với các chủ hàng và hãng tàu biển lớn của thế giới.
So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm đi nhiều, phải đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn hiện hữu. Nhu cầu quốc tế giảm sút đưa đến đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc khiến doanh nghiệp dịch vụ logistics bị tác động, ảnh hưởng theo.
Qua đại dịch, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã nhận thức sâu sắc vấn đề tồn kho (inventory) cần được quan tâm hơn trong hoạt động logistics đối với doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cần thiết phải chuyển đổi số (Digital Tranformation) nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.
Các chính sách của Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực logistics vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, góp phần duy trì các chuỗi cung ứng, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đã được nhanh chóng đưa ra.
Bộ Công Thương đang cùng các Bộ ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc triển khai và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn.
Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” nhằm đề cập đến vấn đề cấp thiết, những giải pháp có tính thực tiễn cao để phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn cũng thu hút sự tham gia của hơn 50 tổ chức quốc tế cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, sản xuất và xuất nhập khẩu.
17:44, 26/11/2020
15:30, 22/11/2020
15:00, 19/11/2020