19/01/2025 | 12:05 GMT+7, Hà Nội

Hoàn thiện thể chế là giải pháp “then chốt“ khôi phục niềm tin với thị trường bất động sản

Cập nhật lúc: 15/03/2023, 07:34

Nghị quyết 33 của Chính phủ thể hiện rõ cam kết, chia sẻ, đồng thời cũng là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp đầu tư bất động sản và các dự án nhà ở nâng cao chất lượng an sinh xã hội.

"Bắt đúng bệnh" của thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản vừa đón nhận tin vui khi cuối tuần vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết 33) về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Theo đó, Nghị quyết đã nhận định đầy đủ thực trạng khó khăn trên thị trường bất động sản, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Đơn cử như hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số tồn tại, bất cập; nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến thiếu hụt nguồn cung bất động sản so với thời gian trước; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp; trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. 

Về nguồn vốn, thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. 

Nhận thấy được thực trạng khó chồng khó trên thị trường bất động sản, Nghị quyết 33 đã đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về: Hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; tổ chức thực hiện của các địa phương như nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. 

Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của Nghị quyết 33 trong bối cảnh hiện tại có ý nghĩa vô cùng quan trọng để định hướng, khơi thông những vướng mắc trên thị trường, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, niềm tin nhà đầu tư phần nào hồi phục. 

Đặc biệt, việc đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan chứng tỏ, Nghị quyết 33 đang "bắt đúng bệnh" để "kê đúng thuốc".

"Chúng tôi rất hoan nghênh Nghị quyết số 33 của Chính phủ ban hành ngày 11/3/2023 vừa qua. Ngay phần đầu, Nghị quyết đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định rõ những vướng mắc mà thị trường đang gặp phải. Điều này cho thấy, Chính phủ đang hiểu rõ bản chất khó khăn của thị trường, "bắt đúng bệnh" cho các doanh nghiệp bất động sản", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh NVCC)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh NVCC)

Cũng theo ông Châu, điều quan trọng nhất của Nghị quyết là Chính phủ đã đề ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp, đứng trước nhiều thách thức rất lớn với các nhân tố bất định, khó lường. 

Vì vậy, ông Châu cho rằng, đây sẽ là trợ lực rất lớn để thị trường bất động sản có khả năng vượt qua những khó khăn của hiện tại, đi đến sự hồi phục và phát triển trong thời gian tới. Và khi thị trường "ấm lên", các doanh nghiệp lúc đó sẽ mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhiều so với giai đoạn trước. 

Phấn khởi trước sự ra đời của Nghị quyết 33 trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với nhiều áp lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng nhận định: "Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng - đủ những vấn đề đang tạo khó cho thị trường bất động sản của Nghị quyết số 33/NQ-CP, những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại".

Ông Đính nhấn mạnh, quan điểm và mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết đã bám sát thực trạng khó khăn, lệch lạc của thị trường hiện tại. Từ đó đưa ra tư duy chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Bộ ngành, đúng người, đúng việc. Ngoài ra, Chính phủ không những chỉ đạo hệ thống quản lý Nhà nước mà còn chỉ đạo các doanh nghiệp bất động sản phải ưu tiên việc thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư được khích lệ niềm tin 

Không chỉ đánh giá chính xác tình hình thị trường địa ốc để đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp toàn diện, Nghị quyết 33 của Chính phủ còn nhấn mạnh trách nhiệm của các chủ thể có liên quan phải chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cùng với đó là đi đôi với kiểm soát rủi ro; không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, bảo vệ cán bộ làm đúng; bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

"Đây là một điểm quan trọng để mọi cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, cùng chung sức đồng lòng hỗ trợ thị trường địa ốc "đứng dậy", thoát ra khỏi "hố sâu". Đặc biệt, điều này cũng thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta - "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", ông Đính nhấn mạnh. 

Dưới góc độ là một doanh nghiệp phát triển bất động sản, chia sẻ với Reatimes, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Home đánh giá cao vai trò của Nghị quyết 33 trong bối cảnh hiện tại. 

Theo ông Chung, Nghị quyết là sự khích lệ to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư phát triển bất động sản. Bởi những nội dung trong Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ là cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Điều này là sự an ủi, động viên và là trợ lực rất lớn để doanh nghiệp có niềm tin, tiếp tục cố gắng duy trì các hoạt động, giữ sức vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. 

"Điều mà doanh nghiệp địa ốc cần lúc này là nhà đầu tư không quay lưng với doanh nghiệp và chính quyền Nhà nước luôn đồng hành hỗ trợ. Trong đó, yếu tố đồng hành hỗ trợ của Nhà nước lại là một phần giúp nhà đầu tư có thêm niềm tin vào thị trường, vào doanh nghiệp. Chính vì vậy, những động thái quyết liệt của Chính phủ trong thời gian gần đây nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản mà mới đây nhất là Nghị quyết 33 là rất cần thiết và quan trọng. Không khác gì tia nắng ấm cho mùa đông lạnh giá của thị trường bất động sản", ông Chung nói. 
Cũng theo lãnh đạo SGO Home, có hai khó khăn lớn nhất trên thị trường địa ốc hiện nay là khan hiếm nguồn cung do vướng mắc pháp lý và thiếu hụt dòng tiền. 

Khi pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn việc phê duyệt, cấp phép dự án kéo dài khiến nguồn cung trên thị trường bị ảnh hưởng. Càng ngày, thị trường càng ghi nhận ít nguồn cung bất động sản khiến chênh lệch cung - cầu tăng cao, đẩy giá bất động sản tăng nóng.

Về nguồn vốn, do khó tiếp cận vốn tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu khiến doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền. 

“Quy luật trước đây là dòng tiền luân chuyển từ ngân hàng (tín dụng), cá nhân (trái phiếu, người mua trả trước) sang doanh nghiệp và quay vòng liên tục. Nhưng nửa năm trở lại đây, dòng tiền "nằm" ở ngân hàng và cá nhân, không còn quay trở lại doanh nghiệp vì khi hai kênh huy động vốn khác là chứng khoán và trái phiếu đều khó khăn và niềm tin ở người dân thì đang suy giảm. Vì vậy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cùng việc cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ, chủ động thương lượng với trái chủ tại Nghị quyết 33 là giải pháp hợp lý và cần thiết", ông Chung cho biết.

Cũng theo ông Chung, khi doanh nghiệp được giải quyết hai "nút thắt" nói trên thì doanh nghiệp sẽ đủ sức để vượt "cửa ải" hiện tại. Khi đó, thị trường bất động sản cũng sẽ khởi sắc. 

Đồng tình với quan điểm, ông Lê Hoàng Châu cũng dự đoán, doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng hồi sức để vực dậy thị trường trong thời gian tới nếu Chính phủ, Nhà nước luôn đồng hành, hỗ trợ trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"./.

Nguồn: https://reatimes.vn/hoan-thien-the-che-se-khoi-phuc-niem-tin-vao-thi-truong-bds-20201224000018193.html