26/04/2024 | 08:13 GMT+7, Hà Nội

Cần nhanh chóng \"phá băng\", tiếp tục tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản

Cập nhật lúc: 03/03/2023, 10:54

Sáng 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thị trường trái phiếu doanh nghiệp...

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Sáng 3/3, phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I năm 2023 - quý khởi đầu và tạo đà cho cả năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Ông đề nghị các đại biểu tập trung phân tích kỹ lưỡng tình hình, đánh giá khách quan, trung thực về những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm. Các đại biểu, chuyên gia cần dự báo sát tình hình sắp tới, chỉ ra những thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp phù hợp, kịp thời để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi, những thành tựu đã đạt được, vượt qua các thách thức, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà người dân và doanh nghiệp đang gặp phải.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đời sống người dân tiếp tục cải thiện. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh; thông tin truyền thông được tăng cường.

Những khó khăn của thị trường bất động sản

Những khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS) nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra những tác động dây chuyền, ảnh hưởng tới nền kinh tế. Cụ thể. từ giữa tháng 5/2022 đến nay, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai các dự án BĐS chưa được tháo gỡ kịp thời, đã và đang khiến thị trường phải rơi vào trạng thái trầm lắng. Những khó khăn này, nếu không được giải quyết sớm sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường BĐS, cộng đồng doanh nghiệp BĐS suy giảm và số đông người lao động mất việc làm, hệ lụy đến an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, BĐS trực tiếp đóng góp 15% tỷ trọng vào GDP quốc gia, lan tỏa tới 40 ngành nghề chủ chốt của nền kinh tế như: Xây dựng, ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp… Tuy nhiên, đến nay, thị trường BĐS gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Theo rà soát của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể hết năm 2022 tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được khó khăn về nguồn vốn, sẽ có thêm số lượng lớn doanh nghiệp BĐS phải đóng cửa, phá sản, tạo rủi ro và nguy cơ đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng thương mại. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp, làm gia tăng bất ổn xã hội...

Cần nhanh chóng phá băng, tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản
Cần nhanh chóng "phá băng", tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản

Về các giải pháp tháo gỡ được đưa ra trước đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam từng nêu, giải pháp tháo gỡ nguồn vốn cho thị trường BĐS không phải là dùng tiền ngân sách để gỡ khó, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, người dân. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý hiện nay, nhất là cho BĐS sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng BĐS - hai kênh dẫn vốn quan trọng trong hệ thống vay của doanh nghiệp phát triển dự án.

Bộ Tài chính cũng đã và đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Chính phủ cần sớm ban hành các điều chỉnh Nghị định 65 để hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp được thuận lợi, hiệu quả.

Bên cạnh đó, về nguồn vốn tín dụng, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi với chủ đầu tư, nhà đầu tư, để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái BĐS. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai cụ thể, minh bạch thông tin về quy hoạch, giao dịch BĐS; rà soát, phân loại các dự án theo tính chất dự án và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, để việc "giải cứu" hiệu quả, “đúng nơi đúng đối tượng”; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu để sớm tìm ra điểm cân bằng của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, thông qua đó quản lý giá để phù hợp với sức mua của người dân.

Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, khơi thông vốn tín dụng, nới trần (room) tín dụng phù hợp năm 2023 và các năm tiếp theo; có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường; tạo điều kiện để người mua nhà, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được các chính sách tín dụng; kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá; tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn.

Về vấn đề pháp lý dự án - "điểm nghẽn" của thị trường BĐS hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, cơ chế chính sách liên quan thị trường BĐS gồm hai nhóm chính sách ngắn hạn và nhóm trung dài hạn đều đang được Chính phủ tháo gỡ. Về ngắn hạn, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ rào cản về pháp lý, giúp hàng trăm dự án được giải tỏa, kéo dòng tiền chảy theo, lấy lại niềm tin cho thị trường thông qua các chính sách như giãn - hoãn nợ, tiếp tục giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất...

Trước đó, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” trung tuần tháng 2/2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp đang chờ đợi một quyết sách tổng thể được ban hành, với kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm vấn đề pháp lý dự án - "điểm nghẽn" của thị trường BĐS hiện nay./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/can-nhanh-chong-pha-bang-tiep-tuc-thao-go-nhung-kho-khan-cho-thi-truong-bat-dong-san-20201231000008983.html