Hiểm họa từ những vụ nổ điện thoại khi vừa dùng vừa sạc pin
Cập nhật lúc: 26/09/2018, 15:00
Cập nhật lúc: 26/09/2018, 15:00
Các chuyên gia khuyến cáo, sử dụng điện thoại khi đang sạc pin rất dễ gây giật điện, thậm chí phát nổ. Ảnh: TL.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị chấn thương nặng ở tay do nổ điện thoại. Đó là cháu T.X.H (7 tuổi, trú tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), nhập viện trong tình trạng bàn tay trái bị dập nát toàn bộ 3 ngón tay, bàn tay phải bị chấn thương nặng.
Theo lời kể của người nhà cháu H, trong lúc bố mẹ đi làm, cháu ở nhà một mình và lấy điện thoại của bố mẹ đang sạc pin để chơi thì bất ngờ điện thoại phát nổ. Hàng xóm nghe tiếng nổ lớn liền chạy sang thì phát hiện cháu H ngất xỉu, bị thương nặng ở 2 bàn tay, chiếc điện thoại bị vỡ nhiều mảnh. Mọi người vội vàng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ phải cắt bỏ 3 ngón tay ở bàn tay trái, đồng thời theo dõi thị lực của cháu H vì vụ nổ cũng khiến mắt cháu bé bị tổn thương, có dấu hiệu nhìn kém hơn bình thường.
Đây không phải là trường hợp hi hữu nạn nhân gặp họa khi sử dụng điện thoại đang sạc pin. Trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại khi đang kết nối với nguồn điện, nhất là khi điện thoại ở chế độ pin yếu. Tuy nhiên, trong thời buổi công nghệ hiện đại như hiện nay, nhiều người đã coi điện thoại là “vật bất ly thân”, sử dụng mọi lúc mọi nơi. Từ đó, không ít người có thói quen “ăn smartphone, ngủ smartphone” một cách thiếu khoa học, gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe.
Em L.T.X (SN 2003, trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã bị điện giật khi đang sử dụng điện thoại dẫn đến tử vong. Tương tự, một trường hợp khác xảy ra năm 2017 tại xóm 1, xã Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Nạn nhân là chị N.T.L (24 tuổi). Chị L được phát hiện nằm bất động trên sàn nhà, trên cổ có quấn chiếc dây sạc điện thoại đang cắm với nguồn điện. Cơ quan công an nhận định, nạn nhân bị điện giật dẫn đến tử vong trong lúc vừa sạc pin, vừa dùng điện thoại.
Ở nước ngoài, có trường hợp bé gái 5 tuổi (sống tại Quý Châu, Trung Quốc) bị bỏng toàn bộ vùng mặt do chiếc điện thoại đang sạc pin gần đó bỗng dưng phát nổ. Các bác sĩ cấp cứu cho biết, vết thương của cháu bé rất nặng, khuôn mặt bé bị biến dạng và phải mang sẹo suốt đời.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, nguy cơ tai nạn cho người sử dụng khi vừa nghe điện thoại, vừa sạc pin có thể xảy ra. Với những điện thoại cũ, các điểm tiếp xúc ở chỗ sạc không tốt, hoặc các bộ phận linh kiện không đảm bảo chất lượng, bị hỏng dễ gây ra hiện tượng này. Chưa kể, khi sạc pin điện thoại trong trường hợp không gian bị ẩm sẽ có tiếp xúc ở chỗ sạc có hơi nước. Điều này sẽ gây ra hiện tượng đánh lửa, phát nổ.
Lý giải về việc có hiện tượng khi nghe điện thoại trong trạng thái sạc sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu hơn, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện cho rằng, điện thoại di động sử dụng sóng điện từ để chuyển tải giọng nói, tin nhắn… từ máy cầm tay tới trạm thu phát sóng. Do vậy, giống như các loại sóng điện từ khác, sóng điện thoại di động cũng mang năng lượng có khả năng tác động lên cơ thể con người.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, sai lầm của nhiều người khi dùng điện thoại di động là áp vào sát tai để nghe, nhất là trong những lúc đi đường. Điều này rất có hại bởi năng lượng sóng vibar lên tế bào thần kinh lớn hơn rất nhiều, vượt ngưỡng cho phép sẽ tác động nhiều đến thần kinh, làm cho có hiện tượng váng đầu, đau đầu. Bởi vậy, không nên áp sát tai, nên tiếp xúc điện thoại với cơ thể ở khoảng cách an toàn 1 - 2cm.
Các bức xạ của việc sử dụng điện thoại di động sẽ tăng khi pin yếu, hoạt động trong vùng phủ sóng kém. Trong quá trình sạc pin nếu sử dụng điện thoại, các linh kiện bị nóng cũng có thể tăng các bức xạ không tốt cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, đừng nghe quá lâu vì năng lượng tác động lên tế bào thần kinh nhiều sẽ tích lũy năng lượng ấy ở trên tế bào gây ảnh hưởng não. Thực tế, các hãng sản xuất cũng tuân thủ các quy định về mức độ phơi nhiễm của người với năng lượng sóng vô tuyến nhưng nghe điện thoại nhiều quá trong thời gian dài cũng khiến chúng ta bị mệt mỏi, khó chịu.
Bởi vậy, khi sử dụng điện thoại di động thì không nên sử dụng kéo dài, không nên có thói quen để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như não, tim... Đặc biệt, trong thời gian khoảng 10 giây đầu từ khi bật điện thoại nên để xa tai. Vì trong khoảng thời gian này, công suất điện thoại di động lớn hơn nhiều ngưỡng an toàn cho phép sẽ gây hại cho sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh gây hại cho sức khỏe, nên sử dụng các thiết bị điện thoại của những hãng có thương hiệu uy tín và tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng. Theo đó, không nên nghe, dùng điện thoại khi đang sạc pin. Khi thực hiện thao tác kết nối điện thoại với nguồn điện, cần cắm chân sạc vào máy trước rồi cắm vào ổ điện sau. Sau khi sạc xong, cần rút dây sạc ra khỏi nguồn điện. Nhiều trường hợp chỉ rút điện thoại ra khỏi dây sạc và để nguyên cục sạc cắm trong ổ điện. Điều này cực kỳ nguy hiểm, nhất là với những gia đình có con nhỏ. Thực tế, đã có trường hợp trẻ bị giật gây tử vong khi ngậm phải dây sạc điện thoại vẫn đang cắm điện.
- Không để điện thoại gần những bộ phận nhạy cảm như đầu, ngực khi ngủ. Hạn chế thói quen bỏ điện thoại vào túi quần, nhất là ở nam giới.
- Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, hoặc nghe điện thoại ở chế độ pin yếu.
- Không nghe điện thoại quá lâu. Khi điện thoại bị phát nóng ra ngoài, cần lập tức ngắt cuộc gọi.
- Không nên bật mạng di động (3G/4G) hoặc wifi liên tục để tránh gây bức xạ lớn khi sử dụng.
- Không nhìn vào màn hình điện thoại liên tục, nhất là ở nơi ánh sáng kém, gây ảnh hưởng đến thị lực của người dùng.
Phương Thuận - Mai Thùy
07:00, 23/09/2018
11:44, 18/09/2018