19/01/2025 | 13:16 GMT+7, Hà Nội

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tiếp tục bứt phá trong tuần 21 - 25/11

Cập nhật lúc: 29/11/2022, 13:57

Nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong tuần giao dịch từ 21 - 25/11. Tuy nhiên, các mã như PDR hay HPX vẫn nối dài chuỗi giảm sàn liên tiếp.

Thị trường tiếp tục có sự hồi phục trong tuần giao dịch từ 21 - 25/11 nhờ sự bứt phá của VN-Index trong phiên cuối tuần, bù lại cho 4 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,13 điểm (0,22%) lên 971,46 điểm. Tương tự, HNX-Index tăng 5,9 điểm (3,09%) lên 196,77 điểm. UPCoM-Index tăng 1,26 điểm (1,88%) lên 68,41 điểm.

Thanh khoản tuần qua đã giảm tương đối, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,5% so với tuần trước đó xuống 51.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 16% xuống hơn 3,2 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 14,9% so với tuần trước đó xuống 3.944 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,2% xuống 342 triệu cổ phiếu.

Thị trường chỉ hồi phục nhẹ trong tuần qua khiến cho các nhóm ngành có sự tăng giảm xen kẽ nhau. Trong đó, nhóm bất động sản có biến động khá tích cực. Thống kê 126 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, chỉ có 40 mã giảm trong khi có 72 mã tăng giá.

Rất nhiều các cổ phiếu bất động sản có yếu tố đầu cơ cao tăng rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua. Đứng đầu danh sách tăng giá là API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng hơn 37%. Sau 5 phiên tăng trần liên tiếp từ 15/11 đến 22/11, API đã có văn bản giải trình và cho biết hiện các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp được đơn vị này giải thích là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Công ty cam kết luôn tuân thủ quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng niêm yết.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 21 - 25/11.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 21 - 25/11.

Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là CEO của Tập đoàn C.E.O với mức tăng hơn 30%. Trong 8 phiên giao dịch gần đây nhất, cổ phiếu CEO đã có đến 7 phiên tăng trần và một phiên điều chỉnh. Giá cổ phiếu trong những phiên này tăng từ 8.100 đồng/cp lên 13.800 đồng/cp, tương ứng mức tăng 70%.

Cổ phiếu TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy cũng có mức tăng gần 24% chỉ sau một tuần giao dịch. Đơn vị này mới đây cũng có văn bản giải trình việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp (từ 15/11 đến 22/11). Theo đó, doanh nghiệp cho biết, giá cổ phiếu của công ty tăng tích cực trong những phiên gần đây do sự phục hồi của thị trường chung trong và ngoài nước. Yếu tố tác động này do thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của công ty. TCH cũng khẳng định, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường.

Cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long gây chú ý khi có sự hồi phục rất tốt trong nhóm bất động sản. Cổ phiếu này riêng trong tuần qua đã tăng hơn 16%. HĐQT doanh nghiệp này vừa thông qua chủ trương mua lại cổ phiếu với tổng giá trị không vượt quá 1.000 tỷ đồng, trích từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của công ty. Cuối quý III/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Nam Long là hơn 2.171 tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp này vừa công bố thông tin về việc thông qua phát hành trái phiếu đợt 2. Theo đó, mệnh giá phát hành là 1 tỷ đồng/trái phiếu, dự kiến có kỳ hạn tối đa 7 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có bảo đảm bằng tài sản là cổ phiếu của Nam Long tại công ty con (Công ty Cổ phần Nam Long VCD, 1.850 tỷ đồng tương ứng với 51% giá trị thị trường) và công ty liên doanh (Công ty Cổ phần NNH Mizuki, 1.501 tỷ đồng tương ứng 50% giá trị thị trường). Mục đích phát hành trái phiếu nhằm thực hiện dự án Waterpoint giai đoạn 2 (bằng hình thức góp vốn vào công ty con Nam Long VCD). Thời gian phát hành dự kiến vào quý IV/2022.

Các cổ phiếu như IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam, DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh, SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, HQC của CTCP Địa ốc Hoàng Quân… đều đồng loạt tăng mạnh.

Ở chiều ngược lại, NRC của CTCP Tập đoàn Danh Khôi đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản với hơn 39%. Trong tuần, NRC đã có cả 5 phiên giảm sàn liên tiếp. Theo giải trình mới đây, NRC cho biết giá cổ phiếu giảm là do yếu tố thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế cũng như chịu những tác động bởi chính sách vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản. Công ty khẳng định luôn tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước đó, trong ngày 14/11, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn Danh Khôi. Lý do bởi tập đoàn này đã nợ tiền thuế quá 90 ngày từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 94 tỷ đồng. Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ 17 giờ ngày 14/11/2022. Quyết định có hiệu lực thi hành trong vòng 1 năm, cho đến 13/11/2023.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 21 - 25/11.

Cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt tiếp tục giảm  gần 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Trong tuần, PDR tiếp tục giảm sàn cả 5 phiên giao dịch với lượng dư bán giá sàn hàng trăm triệu cổ phiếu. Tính xa hơn, PDR đã giảm 28 phiên liên tiếp trong đó có 16 phiên liên tiếp giảm sàn. Giá cổ phiếu giảm từ 49.700 đồng/cp xuống chỉ còn 12.900 đồng/cp.

Doanh nghiệp vừa ra văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu PDR giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 18/11 đến ngày 24/11. Cụ thể, Phát Đạt đưa ra 2 lý do chính là giá cổ phiếu PDR giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế; ngoài ra còn bị tác động bởi các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản. Bên cạnh đó, lý do cũng đến từ việc nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay và hiện tượng này vẫn đang tiếp tục xảy ra. Phát Đạt cam kết luôn tuân thủ các quy định của pháp luật với công ty niêm yết và rất mong sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát cũng không kém cạnh khi giảm 29,6% trong tuần từ 21 - 25/11. Mới đây, CTCK Mirae Asset (MAS) thông báo về việc sẽ bán giải chấp cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát. Số lượng cổ phiếu HPX dự kiến bán là 3,8 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của MAS. MAS lưu ý số lượng chứng khoán dự kiến bán giải chấp là ước tính tại thời điểm công bố thông tin, số lượng chứng khoán bán thực tế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn do thay đổi giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo. Tương tự, Chứng Khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng thông báo việc bán giải chấp hơn 1,1 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của Chủ tịch Hải. Thời gian thực hiện cũng là từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm nhẹ 0,9%. Tuy nhiên, cổ phiếu này ở phiên cuối tuần bật tăng rất mạnh và gần như xóa đi những biến động tiêu cực diễn ra ở các phiên đầu tuần. Động lực tăng của VIC được cho là đến từ việc VinFast xuất khẩu 999 ô tô điện đầu tiên đi Mỹ. Ngày 25/11, VinFast trở thành hãng ô tô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện VF8 sang Mỹ, từ cảng MPC Port, quận Hải An, Hải Phòng. Sự kiện đánh dấu bước tiến của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam khi lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thế giới./.

Nguồn: https://reatimes.vn/hang-loat-co-phieu-bat-dong-san-tiep-tuc-but-pha-tuan-qua-20201224000016167.html