19/01/2025 | 01:21 GMT+7, Hà Nội

Cổ phiếu BĐS tiếp tục phân hóa trong tuần từ 4 - 8/7, nhiều mã thanh khoản cao tăng mạnh

Cập nhật lúc: 11/07/2022, 06:15

Dù số cổ phiếu bất động sản giảm có phần nhỉnh hơn trong tuần giao dịch từ 4 - 8/7 nhưng vẫn còn khá nhiều mã thanh khoản cao tăng tốt.

Thị trường giảm trở lại trong tuần giao dịch qua với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 27,59 điểm (-2,3%) xuống 1.171,31 điểm, HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,4%) xuống 277,8 điểm, UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,38%) xuống 86,96 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 8,8% so với tuần trước đó với 55.866 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 8% xuống 2,36 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 14,1% so với tuần trước đó với 5.321 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 7,5% xuống 278 triệu cổ phiếu.

Với diễn biến giảm điểm trên thị trường trong tuần qua thì gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống. Tại nhóm bất động sản, sự phân hóa vẫn diễn ra mạnh nhưng số mã giảm có phần chiếm ưu thế hơn. Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường, trong tuần từ 4 – 8/7 có 64 mã giảm giá, trong khi số mã tăng chỉ là 47.

Tuy nhiên, đa phần các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua đều thuộc nhóm có thanh khoản thấp. Trong đó, V21 của Công ty Cổ phần Vinaconex 21 giảm mạnh nhất với gần 12%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân một tuần của cổ phiếu này chỉ là 24.637 đơn vị/phiên. Mới đây, doanh nghiệp này đã thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty là 0%.

Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là PLA của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu với gần 11%. Giao dịch của PLA diễn ra kém hơn V21 nhiều khi khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ là 900 đơn vị/phiên.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 4 - 8/7.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 4 - 8/7.

Trong danh sách 20 mã bất động sản giảm mạnh nhất tuần từ 4 – 8/7 có 3 mã đáng chú ý là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp, VRE của Công ty Cổ phần Vincom Retail và HDG của Tập đoàn Hà Đô. Trong đó, BCM giảm 6,8%, VRE giảm 5,8% còn HDG giảm 4,7%. Đối với HDG, ngày 30/6, nhóm Dragon Capital vừa mua thêm 877.200 cổ phiếu để nâng sở hữu từ 7,59% lên 8,02% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ Norges Bank mua 827.200 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 2,31% vốn điều lệ và quỹ KB Vietnam Focus Banlanced Fund mua 50.000 cổ phiếu để nâng sở hữu lên 0,27% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu KAC của Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An với 14,8% từ 20.300 đồng/cp lên 23.300 đồng/cp. KAC vẫn nằm trong diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM và chỉ được giao dịch trong phiên thứ Sáu hàng tuần. Lý do KAC bị duy trì hạn chế giao dịch là do chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung đối với báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán và không có biện pháp khắc phục.

Hai cổ phiếu đứng sau KAC về mức tăng giá ở nhóm bất động sản là VNI của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam và VGV của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam với mức tăng lần lượt 14,4% và 9,7%.

Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giao dịch khá tích cực như LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (tăng 8,3%), SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (tăng 8,2%), DXG của Tập đoàn Đất Xanh (tăng 7,9%), BII của Công ty Cổ phần Louis Land (tăng 6,8%).

Về BII, doanh nghiệp mới công bố thông tin về cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Cụ thể, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 trước đó không đủ điều kiện tiến hành theo quy định do số cổ đông tham dự họp đại diện không đủ trên 50% tổng số cổ phiếu biểu quyết của công ty theo danh sách cổ đông có quyền tham dự do VSD lập ngày 26/5. Thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lần 2 sẽ được HĐQT công ty gửi tới cổ đông theo đúng quy định của pháp luật.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 4 - 8/7.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 4 - 8/7.

Trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản có IDC của Tổng Công ty Idico gây chú ý khi tăng 4,85%. Doanh nghiệp này vừa đăng ký mua thêm gần 1,3 triệu cổ phiếu UIC của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Idico (Udico). Nếu giao dịch thành công, Idico sẽ nâng sở hữu cổ phiếu UIC từ 4 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 51% vốn ) lên 5,3 triệu đơn vị (chiếm tỷ lệ 66,9% vốn). Thời gian thực hiện từ ngày 12/7 đến ngày 10/8 bằng phương thức thỏa thuận.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, bên cạnh hai cái tên BCM và VRE, các mã vốn hóa lớn nhất gồm VIC của Tập đoàn Vingroup, VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes và NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va cũng đồng loạt giảm. Trong đó VIC giảm gần 3,6% sau một tuần giao dịch. VHM giảm nhẹ 0,65%. Nghị quyết HĐQT Vinhomes vừa thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Cổ phần Vinpearl Landmark 81 cho Vinpearl. Sau khi chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cổ phần Vinpearl Landmark 81, Vinhomes sẽ còn 33 công ty con, đa số đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản./.

Nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-bds-tiep-tuc-phan-hoa-trong-tuan-tu-4-8-7-20201224000012936.html