19/01/2025 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Giám đốc kinh doanh SSI: “Nhà đầu tư tìm kiếm những cổ phiếu chuẩn bị tốt cho chu kỳ tăng trưởng”

Cập nhật lúc: 18/04/2022, 15:00

Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay biến động mạnh mẽ, xuất hiện rất nhiều phiên giảm sâu 2 - 3% và cũng có những phiên hồi phục tăng "sốc" với con số tương tự.

Diễn biến tăng mạnh, giảm sâu này diễn ra trong bối cảnh VN-Index đã tăng mạnh từ vùng 660 điểm khi Covid-19 diễn ra lên vùng điểm hiện tại là 1.520 điểm.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, bây giờ là chu kỳ bán ra của thị trường chứng khoán nhưng cũng có nhiều ý kiến hoàn toàn trái ngược, họ cho rằng nhiều cổ phiếu cơ bản tốt lâu nay bị dòng tiền nóng bỏ quên và giờ là thời cơ để những cổ phiếu này quay trở lại, tiếp thêm sức mạnh cho thị trường chứng khoán.

Để nhà đầu tư có thêm thông tin để đánh giá, chúng tôi có buổi phỏng vấn chị Trần Thị Thùy Dương - Giám đốc Kinh Doanh, Hội sở, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI. Chị Dương là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán và thường xuyên làm việc với khách hàng là những nhà đầu tư.

Bà Trần Thị Thùy Dương - Giám đốc Kinh Doanh, Hội sở, Công Ty Cổ Phần Chứng khoán SSI.

PV: Thưa bà, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn có những phiên tăng sốc rồi lại giảm sâu, nhiều nhà đầu tư không biết nên mua hay bán thì đúng. Bà nhận định cơ hội đầu tư thời gian tới như thế nào?   

Bà Trần Thị Thùy Dương: Bất cứ thời điểm nào khi tham gia vào thị trường chứng khoán chúng ta đều có cơ hội, bởi vì các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán là những đại diện tốt nhất của nền kinh tế. Chúng ta là nước có GDP tăng trưởng trong khu vực, có nghĩa là trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế vẫn có những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vào doanh nghiệp.   

Trong thời gian qua, thị trường có những phiên tăng sốc rồi lại giảm sâu theo tôi nghĩ đó là diễn biến của tất cả các thị trường tài chính trên thế giới. Điều này có thể xảy ra ở tất cả các chu kỳ cả tăng và giảm điểm. Thậm chí trong chu kỳ đi ngang của thị trường trạng thái này thi thoảng vẫn xảy ra do tâm lý kỳ vọng ngắn hạn tạo ra bởi các nhà đầu tư. Tôi nghĩ, nhà đầu tư nên nhìn sâu vào bên trong diễn biến của thị trường, tìm thêm các nhà tư vấn hỗ trợ để có thể lựa chọn cổ phiếu tốt hơn, có được những định hướng lựa chọn những doanh nghiệp cơ bản tốt để đầu tư cho chu kỳ dài chứ không chỉ nhìn vào biến động của chỉ số trong khung thời gian hẹp. 

PV: Nhiều nhà đầu tư quan điểm rằng nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba trong 2 năm qua và giờ là lúc nên bán. Theo bà thì điều này có hợp lý?  

Bà Trần Thị Thùy Dương: Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm này. Như trên tôi đã chia sẻ, hiện tại trên HoSE, HNX, UpCOM có khoảng 1.800 mã cổ phiếu. Dù mỗi mã có những đặc thù riêng, có doanh nghiệp kinh doanh tốt và cũng có vài doanh nghiệp theo chiều ngược lại nhưng, nhìn tổng thể thì 1.800 doanh nghiệp này là những đại diện tốt nhất cho sức khỏe của nền kinh tế. Nên với bất cứ thời điểm nào của thị trường, chúng ta cũng tìm ra được những tài sản được định giá rẻ để đầu tư. 

Bên cạnh đó, nền kinh tế và doanh nghiệp đều có tính chu kỳ. Việc một cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba trong 2 năm qua là do các doanh nghiệp này đã nắm bắt được cơ hội trong chu kỳ này, giúp cho doanh thu lợi nhuận tăng đột biến trong thời gian rồi. Và cơ hội đó của doanh nghiệp nếu vẫn tận dụng được trong chu kỳ tiếp theo của nền kinh tế, thì việc tiếp tục đầu tư và nắm giữ thì vẫn hiệu quả. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ về những doanh nghiệp kiểu này trên bất cứ một thị trường chứng khoán nào, không chỉ ở Việt Nam. 

Quay lại câu chuyện đầu tư ở thời điểm này, tôi đang nhìn thấy có rất nhiều cơ hội đầu tư khi nền kinh tế được mở cửa trở lại và các chính sách nhà nước đang hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế. Chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho chu kỳ mới này, và tôi nghĩ các doanh nghiệp đó sẽ phát triển rất tốt thời gian tới đây. Bản thân mỗi nhà đầu tư khi đọc bài viết này chắc cũng đã định hình được một phần nào đó các doanh nghiệp có tính chất mà tôi nhắc đến. Nhà đầu tư cần luôn nhớ rằng, trong bất kỳ thời điểm nào cũng có ngành, có doanh nghiệp được hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế mới cả.  

PV: Bà có thể dẫn chứng vài cổ phiếu có tính chất đó không?   

Bà Trần Thị Thùy Dương: (Cười) Là một nhà tư vấn về quản lý tài sản đầu tư cho khách hàng, tôi có thói quen chia sẻ rất kỹ về ngành và các doanh nghiệp đang hiệu quả trong ngành đó khi khuyến nghị đầu tư. Tôi không muốn khách hàng của mình đón nhận sai thông tin về đầu tư dẫn đến kết quả không như mong muốn. Nên với thời lượng của buổi phỏng vấn hôm nay, tôi sẽ rất khó để chia sẻ hết thông tin về nhiều cổ phiếu. Tôi chỉ lấy ví dụ ở đây về một cổ phiếu được nhiều người biết đến và nhiều người cũng đã bàn luận thời gian qua là cổ phiếu VNM của Vinamilk.

Thời gian gần đây, cá nhân tôi cũng nhận được khá nhiều câu hỏi nên hay không nên đầu tư vào Vinamilk. Có lẽ, khi hỏi câu hỏi này thì chính những người đi hỏi cũng đang thấy rằng... có gì đó phi lý với giá cổ phiếu của một doanh nghiệp kinh doanh tốt lại giảm. Khi hỏi, tôi biết nhà đầu tư cũng đang cố tìm thêm lý do để mua nhưng chưa chắc chắn nên tìm thêm các luận điểm khác để củng cố. Thực ra, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái không chắc chắn bởi lẽ tư duy của họ đang dẫn dắt họ nên đầu tư vào Vinamilk vì VNM là cổ phiếu cơ bản tốt, phát triển bền vững, quản trị tốt nhưng tâm lý ngắn hạn của họ lại đang dẫn họ đến với những hành động không phù hợp với tư duy. Họ nhìn vào diễn biến ngắn hạn của giá cổ phiếu, diễn biến thị trường chung và diễn biến của các cổ phiếu khác, sau đó đem ra so sánh dẫn đến quyết định đầu tư phần nào bị chi phối.

PV: Tôi thấy nhiều ý kiến phân tích rằng Vinamilk đang phải chịu áp lực về giá nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao. Liệu đầu tư có rủi ro?  

Bà Trần Thị Thùy Dương: Câu chuyện về giá nguyên liệu, chi phí logistics tất cả chúng ta đều nhìn thấy nó đã tác động thế nào vào nền kinh tế, vào các doanh nghiệp sản xuất… Tôi nhấn mạnh rằng, tác động vào nền kinh tế tức tác động sâu, rộng đến nhiều ngành nghề, không riêng gì Vinamilk. Vinamilk chỉ là một trong số những doanh nghiệp trong nền kinh tế và phải đối mặt với thách thức mang tính toàn cầu này. Câu hỏi nhà đầu tư đặt ra cho doanh nghiệp tôi nghĩ không phải là bao giờ việc tăng giá nguyên liệu này dừng lại mà là doanh nghiệp đã/đang và sẽ làm gì khi bối cảnh này xảy ra. 

Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp đã và đang kiểm soát tốt chi phí đầu vào như Vinamilk. Vinamilk đã quản lý chi phí đầu vào khá hiệu quả khi biên gộp có tốc độ giảm ít hơn so với tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu sữa đầu vào (Giá sữa nguyên liệu tăng 50% trong khi biên gộp của Vinamilk chỉ giảm khoảng 5 - 6%). Nếu nhìn kỹ vào các chiến lược của Vinamilk nhiều năm gần đây thì tôi cho rằng, Vinamilk đã chuẩn bị rất kỹ kịch bản.

Ví dụ như, đường là một nguyên liệu đầu vào chủ đạo trong sản xuất của Vinamilk thì doanh nghiệp này đã có động thái mua Vietsugar để chủ động ứng phó. Đối với nguyên liệu sữa cũng tương tự, Vinamilk đã đầu tư mạnh vào xây dựng vùng nguyên liệu để giảm bớt ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Theo báo cáo cuối năm 2021 của Vinamilk, tổng sản lượng sữa tươi cung cấp trong năm 2021 cao nhất từ trước đến nay, đạt xấp xỉ 380 ngàn tấn. Ngoài ra, với việc có thêm trang trại mới như trang trại Quảng Ngãi và dự án tổ hợp tại Lào (quy mô giai đoạn 1 là 8.000 con) dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022, khả năng tự chủ nguyên liệu sữa đầu vào của Vinamilk sẽ còn được tăng lên. Vinamilk cũng thường ký kết các hợp đồng kỳ hạn với bên cung ứng nguyên liệu để giảm rủi ro biến động giá.

Trang trại tại Quảng Ngãi là 1 trong 3 trang trại thuộc hệ thống trang trại sinh thái Green farm của Vinamilk.

Sự linh động của Vinamilk trong mỗi giai đoạn của nền kinh tế cũng cho thấy công ty đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến khâu phân phối sản phẩm thì việc kiểm soát tốt chi phí từ đầu vào đến đầu ra chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều. Thậm chí, nhà đầu tư phải thấy đây là cơ hội đầu tư tốt khi mà các doanh nghiệp khác không có được lợi thế đó.

Vậy bây giờ câu hỏi đặt ra là thời điểm nào có thể đầu tư hiệu quả vào VNM. Theo phân tích của chúng tôi, ngành sữa là ngành chiếm 14% tổng kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu. Nhu cầu sử dụng sữa của người Việt và khu vực Châu Á đang rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Nên về tiềm năng phát triển của ngành,  chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng đây là một ngành hoàn toàn tiềm năng trong ngắn - trung - dài hạn. 

Sau khi nhận thấy tiềm năng ngành, nhà đầu tư hãy nhìn lại VNM một lần nữa. Nhiều người nói rằng VNM hết cửa tăng trưởng cao khi đã tiệm cận con số 50% thị phàn toàn ngành nhưng họ đã không xem xét đủ 2 yếu tố: 

Thứ nhất, Vinamilk đang đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại các nước khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc với tiềm năng dân số đông nhất thế giới hiện nay. Mảng xuất khẩu của Vinamilk cũng được kỳ vọng cao nhờ liên tục tăng trưởng 2 chữ số qua các năm, biên lợi nhuận còn cao hơn cả nội địa. Trong năm 2021, công ty đã phát triển thêm 2 thị trường xuất khẩu mới và nâng tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế lên 57.

Các sản phẩm sữa của Vinamilk được người tiêu dùng chú ý khi tham gia hội chợ thực phẩm quốc tế tại Thượng Hải cuối năm 2021.

Thứ hai, Vinamilk đã và đang có kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm và rất nhiều sản phẩm ngoài sữa bò như nước ép trái cây, sữa hạt, thịt bò... Đặc biệt giai đoạn 1 của dự án bò thịt dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023 - 2024 có quy mô công suất 30.000 bò thịt/năm, doanh thu năm đầu tiên dự kiến 2.000 tỷ đồng nên theo tôi phân tích, chúng ta sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của Vinamilk trong thời gian tới sẽ không chỉ dừng lại ở con số 6x ngàn tỷ, mà có thể đạt tới những con số cao hơn trong những năm tiếp theo. 

Định giá hiện tại của VNM theo các phương pháp khác nhau đã được nhiều công ty chứng khoán, chuyên viên phân tích lên tiếng nên tôi sẽ không nói thêm nhưng cá nhân tôi nhận thấy vùng giá hiện tại 7-8x là vùng thực sự hấp dẫn để đầu tư và nắm giữ. Nếu học được chữ "Nhẫn", nhà đầu tư sẽ không chỉ thu về dòng tiền từ cổ tức rất cao hàng năm, mà còn nắm giữ  được một doanh nghiệp tăng trưởng, có rất nhiều tiềm lực về tài chính và các thông tin đầu tư hoàn toàn minh bạch. 

PV: Thông thường với những doanh nghiệp "ít game" kiểu Vinamilk thì nhóm nhà đầu tư nào sẽ ưa chuộng?  

Bà Trần Thị Thùy Dương: Lời khuyên của tôi với bất cứ nhà đầu tư nào khi tham gia thị trường, chúng ta đều phải có một định hướng rõ ràng với khoản vốn của mình khi giải ngân. Nếu bạn xác định khoản vốn đó dùng để trading, bạn hãy quan sát những cổ phiếu có biến động mạnh, sự biến động đó nó tạo ra các cơ hội để bạn có thể kiếm được tiền một cách nhanh chóng. Nhưng nếu bạn xác định khoản vốn đó là đầu tư thì hãy lựa chọn những tài sản tốt để nắm giữ lâu dài, nơi mà chúng ta có sự an toàn và giải ngân được với số vốn từ bé đến lớn trong dài hạn. Tôi cũng phải nói thêm, trading thì có thể mang lại niềm vui (hoặc nỗi buồn) ngắn hạn ngay khi bạn vào lệnh. Nhưng, đầu tư  sẽ giúp bạn phát triển được tài sản trong dài hạn.   

PV: Cảm ơn bà đã chia sẻ. 

Bà Trần Thị Thùy Dương: Vâng, cảm ơn bạn đã phỏng vấn tôi. Tôi hy vọng qua buổi chia sẻ này có thể giúp nhà đầu tư có góc nhìn tốt hơn về thị trường và không bỏ lỡ các cơ hội đầu tư sắp tới. 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/giam-doc-kinh-doanh-ssi-nha-dau-tu-tim-kiem-nhung-co-phieu-chuan-bi-tot-cho-chu-ky-tang-truong-20201231000006029.html