06/05/2024 | 16:53 GMT+7, Hà Nội

Hái lộc đầu xuân như thế nào cho đúng để hút may mắn, tài lộc về nhà?

Cập nhật lúc: 12/02/2021, 09:00

Hái lộc đầu xuân là một phong tục trong ngày Tết cổ truyền mang ý nghĩa, giá trị tinh thần với hy vọng một năm mới nhiều may mắn, tốt lành.

Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn, được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, trong những ngày đầu năm mới. Những Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si,.. đây thường là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân lại đi hái lộc đầu xuân, đến đình chùa xin lộc và cầu phúc, cầu tài. Đây là một phong tục có ý nghĩa, mang giá trị tinh thần của người Việt.

Đó là những cành lộc rất nhỏ trên những thân cây có sức sống mạnh mẽ như si, sung, đa… Họ mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, có nơi còn treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc, phong tục hái lộc đầu xuân là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi, phát tài phát lộc.

Hái lộc Xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa ”Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

Hiện nay ngày tết mọi người thường rủ nhau lên chùa xin hái lộc đầu xuân, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ và đúng về cách hái lộc. Dưới đây, chúng tôi gợi ý cho bạn cách hái lộc đầu năm đúng cách. 

Theo nhiều chuyên gia phong thủy cho rằng việc hái lộc ngày Tết là một tục lệ đẹp và đúng phong thủy của người dân Việt Nam. Hái lộc hay rước lộc đều là mang cành lộc tươi non vào nhà, có nghĩa là gặt hái tài lộc về cho cả gia đình. Đầu năm mang lộc vào nhà là điềm may mắn, tạo nền tảng phát triển tốt cho cả năm dài phía trước.

Còn theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp Hội KH & KT Việt Nam), tục hái lộc là một nét đẹp văn hóa. Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Hái lộc ở đền, chùa ngụ ý xin hưởng một chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân đầu năm mới.

Người dân có thể đến đền chùa hoặc những nơi công cộng, có nhiều sinh khí như công viên, vườn hoa để hái những cành lá non về cắm trong nhà hoặc trên bàn thờ. Tuy nhiên việc hái lộc cốt là ở ý nghĩa hành động, không trọng ở to hay nhỏ. Hái lộc mà tham sân si, không thương tiếc cho cây cối, phá hoại cảnh quan môi trường thì cũng là mang tội, phải trả về sau. Đầu năm đã phạm kị thì lộc có to đến mấy cũng chẳng thể cứu vãn được, ngược lại còn khiến cho gia chủ xui xẻo cả năm dài.

Song, trong nhiều năm qua, nhận thức của nhiều người về tục hái lộc đầu xuân đã sai lệch, mang khía cạnh tiêu cực. Theo các nhà nghiên cứu, sai lầm lớn nhất là nghĩ rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều. Vì thế nên nhiều người mang hẳn cả dao đi để “chặt lộc” chứ không phải hái lộc. Có người còn trèo lên cây để cao để chọn “lộc đẹp” và không hái riêng cho mình mà còn hái hộ cho bạn bè, người thân. Có người còn lấy cả xe máy chở chậu cây cảnh nhà chùa về cho “đại cát, đại lợi”.

Ngoài đền chùa, nhiều người còn đến các trụ sở ngân hàng, kho bạc... để hái lộc vì nghĩ, cây xanh ở các địa điểm này sẽ cho nhiều tiền tài.

“Lộc” mang rất nhiều nghĩa. Lộc theo nghĩa cụ thể là chồi non mới nhú. Nó biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, phát triển. Đầu xuân là khởi đầu của một năm mà có được một cành lộc như vậy rất ý nghĩa nên những cây đào, cây quất người ta thường chọn cây nhiều hoa và lộc. Nghĩa thứ hai, lộc là điều tốt đẹp, mong muốn thần thánh có thể mang đến cho mình. Lên chùa thắp một nén hương xin lộc để cầu mong, cầu lộc đó là công danh, sự nghiệp hay sức khỏe… thì lộc đó có thể hiểu là sức khỏe, con cái, cầu công danh. Và hái lộc nên được hiểu theo nghĩa thứ hai.

Sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân không làm cuộc sống tốt đẹp lên nhờ những cành lộc, nhưng việc bẻ cành, chặt cây là những việc làm không mấy nhân văn của một số người đã và đang tàn phá, hủy hoại môi sinh mà nhiều người đang cố gắng tạo dựng.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia thì cho hay, ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh cây cối tan tác đêm giao thừa những năm gần đây.

“Gìn giữ phong tục hái lộc là điều đáng quý nhưng bẻ cả cành to đem về nhà, đó là hành vi phá hoại, sai tín ngưỡng”, GS Thịnh nói.

Theo GS Thịnh, mọi người có thể xin lộc đầu năm bằng cách lấy những cành lộc tượng trưng được chuẩn bị sẵn ở đền, chùa, đặt lại đó chút tiền lẻ công đức. Hoặc người dân chọn mua cành lộc bán ở đường, mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/hai-loc-dau-xuan-nhu-the-nao-cho-dung-de-hut-may-man-20201231000000677.html