19/04/2024 | 19:25 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án \"treo\", bỏ hoang

Cập nhật lúc: 07/03/2022, 06:15

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án "treo", bỏ hoang

Cụ thể, chỉ thị số 13-CT/TU nêu rõ đối với công tác quản lý đất đai, rà soát hệ thống tổ chức, bộ máy, cơ chế phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cấp quản lý để củng cố, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, không để khoảng trống trong quản lý.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định hướng dẫn theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý đất đai gắn với cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã và người được giao quản lý, cán bộ, công chức thực thi công vụ. Khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước.

Thực hiện tốt việc khoanh vùng đất đai, phân bổ đất đai tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định nhu cầu sử dụng đất thực hiện công trình, dự án trên địa bàn bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khả thi đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ sau, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân tiếp cận thuận tiện.

Yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án treo, bỏ hoang (Ảnh: Internet)
Yêu cầu xử lý dứt điểm các dự án treo, bỏ hoang (Ảnh: Internet)

Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 3/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành dự án xây dựng tổng thể Hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội làm nền tảng áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, hoàn thành công tác kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Rà soát, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, không để xảy ra tiêu cực. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, hướng tới mặt bằng cơ chế, chính sách thống nhất, nhất quán. 

Khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, đi đôi với đẩy mạnh chuyển đổi vùng sản xuất kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp khác hiệu quả cao hơn. Xử lý dứt điểm tình trạng các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Quản lý chặt chẽ quỹ đất công, đất nông nghiệp, đất rừng, đất ngoài bãi sông, quỹ đất đối ứng BT để thanh toán cho các dự án này thay đổi hình thức đầu tư; không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật.

Nhằm tăng cường công tác quản lý về đất đai, Thành ủy Hà Nội ban hành 2 Chỉ thị được đánh giá là quan trọng với Thủ đô trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đó là Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố” và Chỉ thị về “Công tác quản lý đất đai và khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.

Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành của Trung ương và thành phố để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra đã ban hành. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư...

Đối với công tác quản lý, khai thác khoáng sản: Khẩn trương rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn; trên cơ sở đó, nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với công tác đánh giá tác động môi trường; có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nêu trên...

Sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất vật liệu mới thay thế cát, sỏi tự nhiên; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở nghiền, tái chế phế liệu, phế thải phát sinh trong hoạt động xây dựng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, góp phần giảm áp lực trong việc khai thác tận thu khoáng sản, vật liệu tự nhiên. 

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở: KH&ĐT, Xây dựng, QH - KT, Tài chính, Tư pháp, Cục Thuế Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội và UBND quận, huyện liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra sẽ có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.

Những trường hợp đề xuất không lập hồ sơ thu hồi đất do bất khả kháng, yêu cầu Sở TN&MT cùng Đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ lý do, nguyên nhân cụ thể. Đồng thời, đề xuất phương án xử lý, giải quyết và phối hợp, xin ý kiến các đơn vị liên quan của Bộ TN&MT để thống nhất. Trên cơ sở đó tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét chỉ đạo.

Hoang hóa đất vàng khiến kì vọng trở thành nỗi thất vọng

Các dự án lớn luôn được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt thủ đô, nhưng thực tế thì không ít dự án “treo” kéo dài nhiều năm đang xuất hiện dày đặc từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”. Không ít dự án được quy hoạch đã "đăp chiếu" đến 10 - 20 năm, khiến diện tích đất hoang hóa tại Thủ đô ngày một gia tăng. 

Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn nạn về mất trật tự an ninh, văn minh đô thị.

Theo đó, UBND TP Hà Nội từng cho biết, ngay sau khi đoàn giám sát HĐND TP thực hiện giám sát chuyên đề về việc triển khai các dự án có sử dụng đất trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch nhằm đôn đốc, rà soát tiến độ các dự án. Theo đó, trong tổng số danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn TP, tính đến thời điểm hiện tại đã chấm dứt hoạt động 30 dự án và đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. 

Đồng thời, UBND TP Hà Nội cho biết cũng đã ban hành Kế hoạch tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay bao gồm cả các dự án chưa triển khai, đang triển khai từ trước năm 2008; quyết liệt trong công tác xử lý nhằm tránh gây lãng phí tài nguyên đất.

Hoang hóa đất vàng khiến kì vọng trở thành nỗi thất vọng
Hoang hóa đất vàng khiến kì vọng trở thành nỗi thất vọng

Thực trạng nhiều lô đất vàng tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được xây dựng, triển khai dở dang, sử dụng sai mục đích đã khiến bộ mặt TP trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường... đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Không ít vấn đề như: chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của nhiều chủ đầu tư đang gây ra những thiệt hại nặng nề đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, để thu hồi những mảnh "đất vàng" này không phải là điều đơn giản. Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung, lợi ích nhóm đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. 

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn, thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-yeu-cau-xu-ly-dut-diem-cac-du-an-treo-bo-hoang-20201231000005610.html