19/01/2025 | 10:24 GMT+7, Hà Nội

Đất vàng hoang hóa: Khi kỳ vọng thành nỗi thất vọng kéo dài

Cập nhật lúc: 23/09/2020, 08:48

Dù được kỳ vọng sẽ làm mới bộ mặt Hà Nội bằng hàng loạt các dự án lớn, thế nhưng các doanh nghiệp lại "ôm đất vàng" để hoang hóa, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng lớn tới quy hoạch đô thị và tầm vóc Thủ đô.

Lời tòa soạn: Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có tới hơn 300 dự án "treo", bỏ hoang, sử dụng sai mục đích ở khắp các địa bàn quận, huyện. Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu Ngân sách Nhà nước mà còn khiến quyền lợi, tiện ích của người dân xung quanh khu vực "đất vàng" bị ảnh hưởng. Dù đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý triệt để được những tồn tại của hàng trăm dự án bỏ hoang lại là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang; chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến các sai phạm sử dụng đất, công tác xử lý, giải pháp khắc phục... để thông qua đó "giành" lại quỹ đất cho Thủ đô và đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị chung của Thành phố.

Doanh nghiệp "ôm đất vàng": Từ kỳ vọng đến thất vọng

Các dự án lớn luôn được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt thủ đô, nhưng thực tế thì không ít dự án “treo” kéo dài nhiều năm đang xuất hiện dày đặc từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”. Không ít dự án được quy hoạch đã "đăp chiếu" đến 10 - 20 năm, khiến diện tích đất hoang hóa tại Thủ đô ngày một gia tăng. Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn nạn về mất trật tự an ninh, văn minh đô thị.

Doanh nghiệp "ôm đất vàng": Từ kỳ vọng đến thất vọng.

Trả lời về vấn đề này, UBND TP Hà Nội từng cho biết, ngay sau khi đoàn giám sát HĐND TP thực hiện giám sát chuyên đề về việc triển khai các dự án có sử dụng đất trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành các kế hoạch nhằm đôn đốc, rà soát tiến độ các dự án. Theo đó, trong tổng số danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn TP, tính đến thời điểm hiện tại đã chấm dứt hoạt động 30 dự án và đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án. 

Đồng thời, UBND TP Hà Nội cho biết cũng đã ban hành Kế hoạch tiếp tục rà soát các dự án có sử dụng đất trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay bao gồm cả các dự án chưa triển khai, đang triển khai từ trước năm 2008; quyết liệt trong công tác xử lý nhằm tránh gây lãng phí tài nguyên đất.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7101/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; giao Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin, nội dung phản ánh về hơn 300 “dự án treo”, bỏ hoang ở Hà Nội.

Trước thực trạng có quá nhiều dự án "treo", không đáp ứng được như kỳ vọng ban đầu, trong thời gian qua, Hà Nội đã phải liên tiếp thu hồi 2 dự án bị bỏ hoang cả thập kỷ. 

Tại quận Bắc Từ Liêm là dự án nhà ở thương mại tại ô đất D2 - CT1, được giao cho Công ty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư. Thế nhưng sau 7 năm, chủ đầu tư vẫn không thực hiện dự án theo tiến độ quy định. Cả khu đất bị bỏ hoang chừng ấy năm, nằm giữa một khu đô thị phát triển nhanh khiến quy hoạch khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Một dự án tương tự bị thu hồi nằm trên địa phận quận Nam Từ Liêm do Công ty Du lịch Công đoàn Việt Nam làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng vì dự án chậm triển khai quá lâu, một số hộ dân đã lấn chiếm, xây nhà tạm còn một số vị trí khác trở thành nơi đổ rác thải, gây ô nhiễm môi trường toàn khu vực.

Các dự án chậm triển khai do các nguyên nhân như vướng quy hoạch, hoặc chậm giải phóng mặt bằng.
Các dự án chậm triển khai do các nguyên nhân như vướng quy hoạch, hoặc chậm giải phóng mặt bằng.

Các dự án chậm triển khai do các nguyên nhân như vướng quy hoạch, hoặc chậm giải phóng mặt bằng. (Ảnh:VTV)

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng công bố danh mục 16 dự án đã thực hiện chấm dứt hoạt động do "bỏ hoang", chậm triển khai như: Dự án Xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp văn phòng làm việc và cho thuê tại 53E phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV xổ số Thủ đô làm chủ đầu tư; Dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa Quang Trung tại Khu đồng Đế Mơ, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, Hoàng Mai do Công ty CP bệnh viện đa khoa Quang Trung làm chủ đầu tư; Dự án Khu đô thị Monaco Garden – phần ô CC1, CC3, N4 tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai do Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại hệ thống Quốc tế Nettra làm chủ đầu tư…

Dự án phối cảnh hoành tráng và thực tế khu vực bỏ hoang hiện tại.

Việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cũng khuyến cáo, Hà Nội cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị để tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Hệ lụy từ thực trạng để hoang hóa "đất vàng"

Thực trạng nhiều lô đất vàng tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng nhiều năm không được xây dựng, triển khai dở dang, sử dụng sai mục đích đã khiến bộ mặt TP trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường... đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất và thất thu ngân sách Nhà nước.

Nguyên nhân thực sự của vấn nạn trên là do đâu? Vì sao doanh nghiệp "ôm đất vàng” nhưng không chịu triển khai dự án? 

Thông tin với báo chí, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, dẫn đến các khu “đất vàng” bị bỏ hoang, có thể kể đến như chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, điều chỉnh giấy phép, vướng trong khâu giải phóng mặt bằng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Vương Đình Huệ chỉ đạo kiên quyết xử lý các sai phạm đất đai trên địa bàn TP.

Cũng theo vị này, theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Không ít vấn đề như: chậm đưa đất vào sử dụng, không bảo đảm tiến độ hay chậm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của nhiều chủ đầu tư đang gây ra những thiệt hại nặng nề đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, mặc dù công tác quản lý được thực hiện chặt ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án nên dẫn đến thực trạng hiện nay.

Lý giải thêm về nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, một chuyên gia về bất động sản cho biết về khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật. Về mặt chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ, thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Việc nhiều doanh nghiệp "ôm đất vàng" rồi bỏ hoang sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch chung của TP.

Trên hết, nguyên nhân của các nguyên nhân trên là do sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các sai phạm chồng sai phạm.

Ngày 26/02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Tuy nhiên, để thu hồi những mảnh "đất vàng" này không phải là điều đơn giản. Theo GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung, lợi ích nhóm đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. 

Đồng thời, Nguyên Thứ trưởng cho rằng việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn, thu hồi chậm trễ ngày nào thì nhà nước sẽ chậm thu ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Do vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Ngoài ra, việc cương quyết thu hồi theo GS. Đặng Hùng Võ có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đó.

GS Đặng Hùng Võ: "Cần có chế tài xử phạt thật nặng các chủ đầu tư không đáp ứng đúng tiến độ đề ra để tránh tình trạng "ôm" đất đầu cơ".

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng khẳng định, việc thu hồi các dự án “treo” là không hề dễ dàng, bởi nếu chính quyền muốn thu hồi, thì trước hết phải bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Thực tế, với những khó khăn, phức tạp, nên hiện có dự án bị “treo” cả chục năm, nhưng vẫn chưa thể thu hồi, gây lãng phí tài nguyên đất và mất mỹ quan đô thị.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Giải pháp được đưa ra để xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung là cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Bên cạnh việc thu hồi đất thì có thể đưa ra phương án xử phạt thật nặng đối với các chủ đầu tư "ôm" đất xong không triển khai, sử dụng sai mục đích; đặc biệt là cần sự nghiêm minh của các cơ quan chức năng trước các sai phạm. 

Cụ thể, GS Đặng Hùng Võ cho rằng tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án và giúp hạn chế tối đa các nhà đầu cơ đất, "ôm đất" đợi thời: "Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn, trong khi nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai". Theo ông, đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực.

Hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ xử lý dứt điểm các quỹ “đất vàng” đang bỏ phí, ưu tiên xây dựng các công trình công cộng để tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại cũng như góp phần giảm tải được áp lực chung về hạ tầng đô thị của TP.