19/01/2025 | 09:25 GMT+7, Hà Nội

Cổ phần hoá ngành Giao thông: Để phát triển hay vì "đất vàng"?

Cập nhật lúc: 01/09/2020, 13:30

Trong giai đoạn 2011 - 2017, Bộ GTVT luôn dẫn đầu trong quá trình cổ phần hoá (CPH). Thậm chí, Bộ này có nhiều đề xuất chưa từng có. Nhưng sau CPH, những miếng đất vàng của doanh nghiệp ngành GT được sử dụng như thế nào

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã từng phát biểu tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tháng 5.2018 về nội dung liên quan đến việc cổ phần hóa Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso) rằng: 

"Các doanh nghiệp cổ phần hóa người ta chỉ chăm chăm chú ý vào vấn đề đất đai. Có lẽ, đây là 1 trong những nguồn cội khiến người ta không quan tâm cũng giống như xưởng phim truyện Việt Nam, người ta bảo rằng chắc chắn người mà mua lại không đầu tư vào phim ảnh thế thì bản thân những người này cũng chính là người mua lại Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam thì họ cũng sẽ không làm vận tải thủy. Tôi biết đã có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch về vận tải thủy Việt Nam. Trong đó, có quy hoạch về cảng Hà Nội là cảng hàng hóa kết hợp du lịch. Đây là phương hướng phát triển đã đặt ra thì chúng ta phải làm đúng theo quy định của pháp luật chứ còn bây giờ chúng ta lại đi vào những vấn đề khác chỉ để thực hiện những mục tiêu cá nhân thì mục tiêu của cổ phần hóa sẽ không đạt được". 

Đại biểu Quốc hội ông Lưu Bình Nhưỡng. 

Đó cũng là những trăn trở chung của Chính phủ và Bộ GTVT về vấn đề cổ phần hoá nói chung và lợi ích của việc cổ phần hoá doanh nghiệp GTVT nói riêng. 

Theo các chuyên gia giao thông, việc cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp chưa đem lại hiệu quả cao. Thậm chí, tại một số đơn vị, việc CPH chỉ mang hình thức núp bóng để “thôn tính” vì mục tiêu “đất vàng”. Một số đơn vị sau CPH vài năm làm ăn bết bát, không đúng chuyên ngành, còn quỹ đất nơi đó để cho thuê, hoặc sử dụng mục đích khác...

Trường hợp Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso), khi thực hiện CPH chỉ được định giá khoảng 327 tỷ đồng. Tháng 3.2014, Bộ GTVT đã yêu cầu Vivaso đàm phán bán cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường theo đề nghị của ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Tổng giám đốc Vạn Cường. Hiện, công ty Vạn Cường nắm vai trò chi phối, chiếm hơn 77% cổ phần Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vivaso.

Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso).

Trên thực tế, quá trình cổ phần hoá Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) thuộc Bộ GTVT cũng từng bị tố cáo có nhiều khuất tất bởi Tổng Công ty này có 10 doanh nghiệp với hàng trăm đoàn tàu đang hoạt động nhưng chỉ được định giá với khoảng 327 tỉ đồng. Sau cổ phần hoá, Vivaso không có hoạt động nào về đầu tư vận tải thuỷ, mà chỉ cho thuê trụ sở, kho bãi,... gây bức xúc và khiếu nại kéo dài của cán bộ nhân viên.

Sau thương vụ này, Công ty Vạn Cường và ông Nguyễn Thuỷ Nguyên nắm trong tay quỹ đất rất lớn, lên tới 50ha, gồm các vị trí đẹp như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hay các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…

Nói về việc công bố giá trị doanh nghiệp Vivaso khi tiến hành cổ phần hóa là 327 tỷ đồng. Trong khi, riêng về phần tài sản đất đai Vivaso đang quản lý và sử dụng gần 50ha đất tại nhiều tỉnh thành miền Bắc trong đó có khá nhiều vị trí thực sự là đất vàng, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nhận định: "Tôi hiện nay đang có trong tay khá nhiều thông tin về tài sản của Tổng Công ty vận tải thủy Việt Nam (Vivaso). Có thể nói rằng, đây là khối tài sản vô cùng to lớn được Nhà nước, nhân dân đầu tư tạo dựng từ mấy chục năm trước, từ thời kháng chiến đến tận bây giờ. Bởi vậy, có những mảnh đất được gìn giữ bằng cả mồ hôi, xương máu của nhân dân và có thể nói rằng có những khoảng đất được gọi là đất vàng và có những đoàn tàu vừa mới đóng thậm chí có những loại cầu tàu bây giờ chúng ta phải chi hàng trăm tỷ mới có thể xây dựng được. Do đó, không thể được tính toán, định giá một cách rẻ mạt như vậy. Tôi cũng rất muốn thanh tra phải làm rõ có văn bản chỉ đạo phải bán cổ phần cho đối tác này. Tôi cho rằng nếu thế thì đi trái với quy định của Đảng và Nhà nước thì đương nhiên như thế sẽ nảy sinh những vấn đề mà đại biểu chúng tôi thay mặt cho nhân dân rất muốn được làm rõ". 

Khi trở thành Chủ tịch HĐQT Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên sau đó còn gây chấn động dư luận khi tham gia vào thương vụ mua bán Hãng phim truyện Việt Nam. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự thật phía sau việc “thủy thủ đi làm phim” chính là vì khu đất vàng "béo bở" nhiều mặt tiền ven hồ Tây (Hà Nội). 

Nghệ sỹ Quốc Tuấn, đạo diễn Hãng phim truyện Việt Nam "cảm thán" rằng: "Chưa bao giờ có một cuộc cổ phần hoá nào lại nhục nhã và không minh bạch đến như vậy. Những bằng chứng hào hùng của biết bao nhiêu thế hệ cha anh đang bị phủ nhận hoàn toàn. Một miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỉ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự cao cấp"- đạo diễn Quốc Tuấn nói.

5000m2 đất của Hãng phim truyện Việt Nam được định giá 19,7 tỷ đồng.

NSND Thanh Vân - nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định: "Vivaso với chỉ 32,5 tỉ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần. Trong khi đó, ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng Phim truyện Việt Nam theo giá trị trường khoảng 2.000 tỉ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập."

Hoặc như thương vụ Tổng công ty đường thuỷ Việt Nam (Vinawaco) cổ phần hoá từ năm 2014 với 36,62% vốn Nhà nước, sau đó đã có nhiều biến tướng trong việc sử dụng đất vàng đường Phùng Hưng (Hà Nội). 

Theo đó, toàn bộ khu đất tại số 40 Phùng Hưng đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của VINAWACO theo Hợp đồng thuê đất số 701/HĐTĐ-STNMT-PC của Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội ký ngày 18/8/2016. Diện tích đất thuê là hơn 800m2 trong thời gian 50 năm nhằm mục đích làm trụ sở làm việc của công ty. Hợp đồng thuê đất số 701/HĐTĐ-STNMT-PC của Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội quy định rõ: “Mục đích sử dụng đất thuê, chỉ để làm trụ sở làm việc”.

Tổng công ty đường thuỷ Việt Nam (Vinawaco)

Cũng trong Hợp đồng thuê đất của VINAWACO thể hiện rõ trách nhiệm của bên thuê đất là phải báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất trong phạm vi diện tích đất thuê bằng văn bản gửi Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm vào 25/12 hằng năm.

Tuy mục đích cho thuê đất của nhà nước là cho VINAWACO làm trụ sở nhưng hiện nay các đơn vị khác lại đang sử dụng và chiếm gần hết toàn bộ mặt tiền của khu đất.

Theo đó, VINAWACO đang cho Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) thuê 120m2 từ tháng 6/2018 với số tiền 2,64 tỷ đồng/năm, VINAWACO đang cho Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam thuê 120m2 với số tiền là 1,68 tỷ đồng/năm từ tháng 9/2018 để được sử dụng mặt làm phòng giao dịch. Tính tổng 1 năm VINAWACO thu về 4.32 tỷ đồng, chỉ bằng việc cho thuê lại mặt bằng được nhà nước giao đất làm trụ sở.

Như vậy, số tiền hàng tỷ đồng cho thuê mặt bằng sẽ được sử dụng vào mục đích gì? Liệu việc cho thuê, sử dụng đất của Nhà nước có đúng theo quy định của pháp luật? Đó là chưa kể Vinawaco còn đang 8 mảnh đất trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có những mảnh đất được coi là "đất vàng" với những vị trí đắc địa.

Rõ ràng, câu chuyện CPH không hề đơn giản, nếu không kiểm soát tốt, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước sẽ bị định giá thấp hoặc chỉ định giá tài sản trên đất, còn những phần 'đất vàng' mặc nhiên bị trục lợi. Đây là những lỗ hổng lớn trong việc CPH các doanh nghiệp.

Cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định việc CPH ngành giao thông đã lộ rõ nhiều sai lầm đáng tiếc, thậm chí khiến nhiều tổng công ty lớn rơi vào tay tư nhân và lâm vào tình trạng “sống mòn”, bết bát, hoặc không hoạt động đúng ngành nghề kinh doanh khiến đời sống hàng nghìn cán bộ, nhân viên trở nên kiệt quệ.