Hà Nội: Xe đạp công cộng bị “ngó lơ” sau 4 năm triển khai!
Cập nhật lúc: 03/10/2018, 00:00
Cập nhật lúc: 03/10/2018, 00:00
Dãy dài xe đạp tại ĐH Công nghiệp Hà Nội lâu ngày không sử dụng bị han rỉ, xuống cấp. Ảnh: Nhật Tân.
Từ năm 2014, thành phố Hà Nội tiến hành thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại 4 điểm trường bao gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thương mại và Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Đề án khi đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn.
Lạc quan hơn, phía Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho rằng, xe đạp rất phù hợp với hạ tầng của Thủ đô, trước mắt sẽ giúp giải quyết một phần bài toán môi trường, ùn tắc giao thông. Các điểm đặt xe sẽ được bố trí gần hệ thống giao thông công cộng như tại các điểm trung chuyển xe buýt, các khu vực có hoạt động du lịch phát triển, đặc biệt là khu phố cổ Hà Nội.
Nhiều tâm huyết là vậy nhưng trên thực tế, các điểm cho thuê xe đạp này chỉ hoạt động trong một thời gian rất ngắn. Lý do của sự èo uột đó, phần do ế khách, phần do thiếu nguồn lực để duy trì dịch vụ.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một dãy dài xe đạp xếp chỏng chơ trong một góc khuất của sân trường, buồng trông giữ không có ai túc trực, các xe đạp bụi bặm bám đầy vì thời gian dài không được động đến.
Tương tự, 3 địa chỉ còn lại là Đại học Thương mại, Cao đẳng Sư phạm Trung ương và Đại học Điện lực thậm chí còn “mất tích” luôn những điểm cho thuê xe đạp. Bảo vệ tại các trường trên cho biết, trước đây có điểm thuê xe nhưng sau đó không biết bị di chuyển đi chỗ nào?
Theo đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương từng là nơi có lượng xe đạp lớn nhất khi bắt đầu thí điểm với 195 xe. Ngày 1/10, trao đổi với PV, một cán bộ thuộc Phòng Quản trị của nhà trường cho biết: “Điểm xe đặt ở đây nhưng ít người thuê lắm, chỉ sau tầm 1 năm là họ chuyển đi rồi”.
Vị cán bộ này cũng cho biết, trước đây giá thuê xe từ 3.000 - 5.000 đồng/xe/ngày. Xe cũng cho thuê theo tháng với giá 150.000 - 200.000 đồng/tháng. Thực tế, số lượng sinh viên dùng để đi học rất ít mà chủ yếu là người già thuê xe để đi tập thể dục.
Lý giải vấn đề trên, lãnh đạo Công ty Cổ phẩn Môi trường cây xanh đô thị - đơn vị thực hiện dự án thí điểm cho rằng, lý do lớn nhất do thiếu hệ thống bãi gửi xe nên dẫn đến tình trạng bất cập, không thuận tiện cho người sử dụng.
“Đối tượng thuê xe đạp cũng chỉ có mục đích đi chơi là chính, không có ý định gắn bó thường xuyên với phương tiện. Điều này gây ra sự lãng phí không nhỏ bởi một lượng lớn xe đạp đã đầu tư sản xuất vẫn đang ngày ngày bị xếp xỏ và han gỉ”, lãnh đạo Công ty Cổ phẩn Môi trường cây xanh đô thị cho biết.
Không ai trông coi, buồng trực đặt chỉ để cho có.
Một câu chuyện khác, đó là vấn đề xe đạp tuần tra của lực lượng công an TP Hà Nội. Được biết, tháng 8/2015, Công an TP Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình tuần tra bằng xe đạp cho lực lượng cảnh sát trật tự tại các phường trên địa bàn Thủ đô. Lực lượng công an cho rằng, việc tuần tra bằng xe đạp sẽ giúp cảnh sát trật tự tiếp cận các khu vực ngõ ngách nhỏ linh hoạt và cơ động. Bên cạnh đó, mô hình này cũng được kỳ vọng góp phần làm cho hình ảnh người cảnh sát gần gũi, thân thiện với nhân dân và môi trường.
Sau hơn 3 năm triển khai, mô hình nói trên dù vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mang lại, một số phản ánh từ người dân cho rằng hình ảnh chiến sĩ cảnh sát trật tự cùng chiếc xe đạp đang ngày càng thưa dần trên các ngõ phố Hà Nội.
Lí giải vấn đề này, một số người trong cuộc cho rằng, việc tuần tra bằng xe đạp không khả thi, tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, không khẩn trương trấn áp được tội phạm. Theo quan sát của PV, tại trụ sở công an một số phường, nhiều chiếc xe đạp phủ bụi, thậm chí có những chiếc còn bọc nguyên nylon. Nhiều người cho rằng, đây là một sự lãng phí.
Tại tọa đàm “Phát triển xe đạp trong giao thông đô thị - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, ông Lionel Bayard, Giám đốc phát triển xe đạp Peugeot của Pháp cho hay, số lượng xe đạp ở Pháp còn tăng hơn số lượng xe máy bán ra và tiếp tục có xu hướng giảm dần phương tiện xe máy và ô tô. Để làm được việc này, Pháp đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế phương tiện tham gia giao thông là xe máy và ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải. Đồng thời, đặt tới 55.000 trạm xe đạp tự do ở khắp 42 thành phố; khuyến khích và tạo sự hỗ trợ tối đa nhất cho người dân di chuyển bằng xe đạp, kể cả người già và trẻ em. Đến nay, xe đạp là mắt xích cuối cùng của chuỗi di chuyển đa phương tiện (tàu - ô tô - tầu điện ngầm) của người dân...
Trong khi đó, tại Việt Nam, đề xuất thí điểm xe đạp công cộng tại Hà Nội không khả thi bởi chưa có bãi đỗ xe, giao dịch tự động, kết nối đồng bộ với xe buýt. Thậm chí xe đạp chưa được phân làn riêng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Nhật Tân
09:00, 28/08/2018
23:31, 24/09/2017
00:21, 04/12/2016