19/01/2025 | 10:07 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tiên phong áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng cho rau an toàn

Cập nhật lúc: 22/03/2019, 02:00

Những hiệu quả từ mô hình PGS (Participatory Guarantee Systems) mang lại cho ngành nông nghiệp Thủ đô đang được ghi nhận. Từ đó càng khẳng định hướng đi của nông nghiệp hiện đại đã và đang mang tới những giá trị hết sức tích cực.

An toàn thực phẩm luôn là một vấn đề lớn. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu nguy hiểm, chất lượng thấp trong thời gian dài gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe của nông dân và người tiêu dùng. Người tiêu dùng đang ngày càng nhận thức được nguy cơ đó, bằng chứng là nhu cầu rau an toàn, rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh đang tăng lên nhanh chóng.

Sự gia tăng này là cơ hội lớn cho nông dân trồng rau. Nếu đáp ứng được nhu cầu thị trường, họ không những có thể cải thiện thu nhập của bản thân mà còn có thể cung ứng thực phẩm cho cộng đồng địa phương một cách an toàn và bền vững.

Sản phẩm rau an toàn và hữu cơ của người nông dân có thể được chứng nhận bởi một tổ chức độc lập, tuy nhiên quy trình này thường tốn kém và phức tạp, không phù hợp với nông hộ quy mô nhỏ.

Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia PGS (Participatory Guarantee Systems), là một giải pháp thay thế: đây là một hệ thống quản lý chất lượng giúp đảm bảo nông sản an toàn và có thể khôi phục lòng tin người tiêu dùng.

ha noi tien phong ap dung he thong dam bao chat luong cho rau an toan
Hệ thống PGS dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Người tiêu dùng, Cty phân phối, cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.

PGS khác với chứng nhận bên thứ ba ở nhiều điểm. Trước hết, PGS có chi phí không cao. Thứ hai, các quy định hành chính trong hệ thống PGS khá gọn nhẹ. Cả hai đặc điểm này khiến PGS trở thành giải pháp phù hợp với nông hộ nhỏ. Điểm khác biệt thứ ba là cách tiếp cận. Tên gọi của hệ thống đã cho thấy PGS cần có sự tham gia trực tiếp của nông dân và thậm chí là cả người tiêu dùng vào quá trình chứng nhận.

Các nguyên tắc và quy định trong sản xuất an toàn hay hữu cơ được thiết lập và áp dụng thông qua sự đóng góp của tất cả các bên liên quan: người sản xuất, chính quyền, khối tư nhân và người tiêu dùng.

Những nguyên tắc, quy định này được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh địa phương, bao gồm khu vực địa lý, môi trường văn hóa và thị trường. Sự tin cậy về chất lượng sản xuất và độ an toàn của sản phẩm được cải thiện bởi sự tham gia của các bên khác nhau ở những giai đoạn khác nhau.
TP Hà Nội có 12.000ha canh tác rau, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, nhiều địa phương do lối canh tác cũ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, do vậy năng suất, chất lượng nông sản không cao.

Chi phí giống cây, thuốc bảo vệ thực vật lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy những lợi thế, ưu việt của mô hình PGS, năm 2017 Chi cục BVTV Hà Nội thí điểm áp dụng hệ thống quản lý giám sát chéo PGS tại HTX Rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn) mang lại kết quả rất tốt. Sau đó, được sự đồng ý của Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục BVTV tiến hành xây dựng 25 mô hình PGS tại những vùng rau an toàn trọng điểm của Thủ đô.

Bà Lưu Thị Hằng - Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục BVTV Hà Nội) cho biết, PGS là một hệ thống rất ưu việt, phù hợp với sản xuất nhóm nông hộ có sự tham gia của các bên liên quan vào việc đảm bảo chất lượng cho các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương. Người sản xuất được chứng nhận dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong hệ thống. PGS được xây dựng trên sự tin tưởng, dựa vào mạng lưới xã hội và liên tục học hỏi, bổ sung những lỗ hổng, thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó GĐ HTX Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (Gia Lâm), đồng thời quản lý liên nhóm sản xuất cho biết, cái được lớn nhất khi tham gia các nhóm sản xuất là bà con kiểm soát được sản lượng rau cung cấp ra thị trường, tránh dư thừa. “Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Đặng Xá không xảy ra vụ việc quá nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, rau luôn được bán cao hơn giá thị trường nhờ uy tín chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập từ trồng rau đạt 450 - 500 triệu đồng/ha”, ông Mạnh cho biết.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội, nhờ áp dụng PGS, lòng tin của người tiêu dùng tăng lên, gắn liền với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng từ 112 lên 208 DN, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15 tấn/ngày tăng lên 42 tấn/ngày. Giá bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000 - 2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá. Giá trị sản xuất rau an toàn tại các vùng cao hơn 10 - 20%.

Với những hiệu quả mà PGS mang lại, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng các chuỗi mô hình PGS, lựa chọn được DN làm đầu tàu cho các chuỗi, đồng thời tham mưu cho UBND, HĐND TP có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, định hướng tiêu dùng… để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm của các chuỗi; phát triển việc hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã...