18/01/2025 | 18:03 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Những chuyển biến trong việc nâng cao cải thiện môi trường kinh doanh

Cập nhật lúc: 01/04/2019, 11:20

Trong năm 2018 các cấp, ngành TP đã tập trung thực hiện mục tiêu cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN ở tất cả các khâu, bắt đầu từ các hoạt động khởi sự kinh doanh đến các hoạt động sau khởi nghiệp.

Đó là một trong những kết quả thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo trên địa bàn Hà Nội.

Theo thông tin báo chí của Văn phòng UBND TP Hà Nội, sau 9 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 7-6-2018 của UBND TP đạt được những kết quả tích cực, nổi bật như: Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cung cấp dịch vụ công để giảm thời gian và chi phí cho DN.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện. TP đã ban hành và tổ chức thực hiện các kế hoạch rà soát, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC, thông qua phương án đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý Nhà nước; sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều thủ tục; tỷ lệ đơn giản hóa đạt trên 23,3%.

ha noi nhung chuyen bien trong viec nang cao cai thien moi truong kinh doanh
Các DN trên địa bàn Hà Nội được tạo mọi điều kiện để kinh doanh, khởi sự kinh doanh. 

Hà Nội đã ban hành Bộ TTHC lĩnh vực KH&ĐT, trong đó đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 48/152 thủ tục (đạt tỷ lệ 31,5%). Các cơ quan thuộc TP, UBND quận, huyện, thị xã đã chủ động rà soát trình tự, thời gian, đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện, cắt giảm các thủ tục không cần thiết; liên thông một số TTHC và xây dựng cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục...

Triển khai thí điểm tổ chức Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã; ban hành kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, DN Nhà nước thuộc TP; thống nhất quản lý Nhà nước về nước sạch trên địa bàn; Triển khai, vận hành thử nghiệm phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tại 7 đơn vị; triển khai các thủ tục để tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ với Hệ thống dịch vụ công trực tuyến dùng chung. Đến nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 toàn TP đạt 55%.

Về đăng ký kinh doanh và khởi sự, hỗ trợ DN: Hiện các DN thực hiện đăng ký qua mạng được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 2 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng (trước 1 ngày so với yêu cầu của Luật DN), hỗ trợ một cách tối đa để DN rút ngắn thời gian gia nhập thị trường. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh CCHC nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh (thuế, hải quan, BHXH, tiếp cận điện năng, đầu tư xây dựng…) cũng được thực hiện hiệu quả. Ngành thuế đã triển khai hệ thống gửi thư điện tử tự động để trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và người nộp thuế bằng phương thức điện tử tới trên 160.000 DN có đăng ký email với cơ quan thuế. Đến nay, tỷ lệ DN khai thuế qua mạng, đạt tỷ lệ 98,41%. Hoàn thuế điện tử đạt trên 96,5% số hồ sơ hoàn thuế điện tử.

Đồng thời, Hà Nội đã cải thiện các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, UBND TP đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, TTHC, theo đó, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Hàng tuần, lãnh đạo TP họp xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư…

TP cũng đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại điện tử, dịch vụ logistic. UBND TP đã ban hành, triển khai các quyết định về quy hoạch cụm công nghiệp như: Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến 2030; phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội và thành lập các cụm công nghiệp tại các huyện; Phê duyệt và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển công nghiệp.

Bên cạnh đó, dựa trên những kết quả Chỉ số PCI năm 2017, một số chỉ số thành phần của Hà Nội còn xếp hạng thấp như: Chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, Chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, Chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”… đã được UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục trong năm 2018.

Từ các giải pháp đồng bộ như trên, TP đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển DN: Năm 2018 là năm thứ 3 TP tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại Hội nghị, đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ đô la Mỹ), trong đó: 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,428 tỷ USD (tương đương 130.061 tỷ đồng), 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.

Thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển DN tiếp tục đạt kết quả tích cực: Năm 2018, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%; 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 10,48%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI, từ 1-1 đến 14-3-2019, đạt 4,04 tỷ USD (gấp 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2018)...Đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh doanh của Thủ đô Hà Nội trong năm 2018 và các năm tiếp theo.