20/04/2024 | 17:19 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội kiên quyết xử lý, hàng loạt dự án chậm triển khai đã bị thu hồi

Cập nhật lúc: 30/12/2022, 10:06

Chính quyền TP Hà Nội kiên quyết xử lý, hàng loạt dự án chậm triển khai đã bị thu hồi để tránh tình trạng lãng phí đất đai trên địa bàn thành phố.

Mặc dù tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý những dự án chậm triển khai, bỏ hoang không phải là vấn đề đơn giản. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 380 dự án “treo” nằm rải rác ở khắp các quận, huyện. Từ công trình phục vụ dân sinh đến cả những dự án nằm ở trung tâm TP được xem là “đất vàng” cũng rơi vào hoàn cảnh “đắp chiếu” hàng chục năm. 

Đối với nguyên nhân chủ quan, UBND TP. Hà Nội nhận định, việc phân công, phân cấp theo thẩm quyền giữa các cấp, các ngành của Thành phố để xử lý dứt điểm các vi phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để phù hợp với quy hoạch phân khu của một số dự án còn chậm, trả lời chưa rõ, chưa dứt điểm ngay khi nhận được văn bản đề nghị của Chủ đầu tư về điều chỉnh quy hoạch.

Đối với các Chủ đầu tư, có việc nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế; một số chủ đầu tư năng lực tài chính, kinh nghiệm hạn chế, không đủ khả năng để thực hiện dự án đầu tư. Nhiều Chủ đầu tư không chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư; không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Hà Nội yêu cầu kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án treo
Hà Nội yêu cầu kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án treo, tránh lãng phí đất đai

Trước những diễn biến phức tạp, khó xử lý đối với những dự án chậm triển khai, bỏ hoang trên địa bàn, từ năm 2018, TP Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, rà soát công tác quản lý, sử dụng đất đai, xử lý vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đề xuất phương án xử lý phù hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thời gian khắc phục khả thi. Cùng với đó mạnh tay thu hồi đối với những dự án này.

Cụ thể, ngày 28/12/2022, Sở TN&MT Hà Nội đã ban hành Văn bản 10303/STNMT-TTr về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật trên địa bàn TP đối với 4 dự án, gồm: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Cụm Công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) do Công ty CP Bê tông Vạn Trường Thành là chủ sử dụng đất; dự án Khai thác chợ Kim Liên (23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa); dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên là chủ sử dụng đất; dự án Xây dựng xưởng sản xuất mành xuất khẩu (thị xã Sơn Tây) do Công ty TNHH Mành Trang Trí là chủ sở hữu đất.

Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Cụ thể, chỉ thị số 13-CT/TU nêu rõ đối với công tác quản lý đất đai, rà soát hệ thống tổ chức, bộ máy, cơ chế phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cấp quản lý để củng cố, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, không để khoảng trống trong quản lý.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định hướng dẫn theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tuân thủ các quy định của pháp luật. Thực hiện tốt việc khoanh vùng đất đai, phân bổ đất đai tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 3/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 

Rà soát, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, không để xảy ra tiêu cực. Khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, đi đôi với đẩy mạnh chuyển đổi vùng sản xuất kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp khác hiệu quả cao hơn. 

Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành của Trung ương và thành phố để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.

Kiên quyết thu hồi các trường hợp vi phạm

Các dự án lớn luôn được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt thủ đô, nhưng thực tế thì không ít dự án “treo” kéo dài nhiều năm đang xuất hiện dày đặc từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”. Không ít dự án được quy hoạch đã "đăp chiếu" đến 10 - 20 năm, khiến diện tích đất hoang hóa tại Thủ đô ngày một gia tăng. 

Đáng nói, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng đang xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn nạn về mất trật tự an ninh, văn minh đô thị.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 805/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai. Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP, Thanh tra TP, Cục Thuế TP, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-kien-quyet-xu-ly-hang-loat-du-an-cham-trien-khai-da-bi-thu-hoi-20201231000008452.html