Hà Nội đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh thực phẩm học đường
Cập nhật lúc: 22/10/2019, 06:40
Cập nhật lúc: 22/10/2019, 06:40
Thống kê trên địa bàn, khối mầm non có 3.732 bếp ăn tập thể, trong đó có 2.884 bếp ăn của trường tư thục và 848 bếp ăn của trường công lập. Cấp tiểu học có 535 (510 bếp ăn và 25 căng tin).
Cấp trung học cơ sở có 200 bếp ăn, trong đó có 124 bếp ăn và 76 căng tin. Cấp trung học phổ thông có 67 bếp ăn thì có 23 bếp ăn và 44 căng tin.
Về số trường học tự nấu ăn là 4.024 số trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu kinh doanh dịch vụ ăn uống là 415 (bao gồm 263 nhà thầu có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường, 152 nhà thầu không có địa điểm đăng ký kinh doanh tại trường). 95 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn.
Theo đó, qua kiểm tra cho thấy, tất cả các trường có bếp ăn tập thể đều ký kết hợp đồng thực phẩm với nhà cung ứng đảm bảo tính pháp lý; 89% trường học có Ban chỉ đạo, Tổ tự giám sát bếp ăn tập thể trường học và kiểm soát sữa học đường; 93% trường xây dựng và triển khai đầy đủ kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường.
Qua nhiều tháng kiểm tra, giám sát cho thấy, 91% nhà trường đã cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm, công khai nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; 90% bếp ăn có hồ sơ pháp lý; 82% bếp ăn có đủ sổ sách theo dõi việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến tại bếp ăn tập thể.
Theo đó, tại các quận, huyện, thị xã đều có các đội điều tra để điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm để sẵn sàng xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Trong thời gian tới, ngành y tế và ngành giáo dục sẽ tích cực phối kết hợp trong công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn để các nhà trường, bếp ăn tập thể khắc phục tồn tại, thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của giáo viên và học sinh.